Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2017, người Việt mất 12.300 tỷ vì virus máy tính

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê từ Bkav, trong năm 2017 người Việt đã thiệt hại tới 12.300 tỷ đồng vì nhiễm virus máy tính, vượt con số 10.400 tỷ đồng so năm ngoái.

Theo thống kê của Bkav, năm 2017, các phần mềm tống tiền (ransomware) trở thành nỗi ám ảnh, điển hình là mã độc WannaCry lây lan ở hơn 150 nước hồi tháng 5. Tại Việt Nam, hơn 1.900 máy tính nhiễm WannaCry và hơn 52% máy tính tồn tại lỗ hổng có thể bị tấn công bởi mã độc này.
 

Sau đó là sự xuất hiện của biến thể Petya và Bad Rabbit làm tê liệt hàng loạt ngân hàng, sân bay, máy ATM và nhiều DN, tổ chức lớn trên thế giới.

Số tiền chuộc khổng lồ là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của mã độc tống tiền. Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav cho thấy, 11,22% lượng email lưu chuyển trong năm 2017 có mục đích phát tán ransomware.

Bkav cho biết, các thiết bị kết nối Internet (IoT) như Router Wi-Fi, Camera IP… trở thành đích nhắm của hacker trong năm 2017 mà điển hình là sự bùng nổ các biến thể mới của mã độc Mirai, trong đó có biến thể nhắm mục tiêu đến Việt Nam.

Năm 2017 cũng chứng kiến cơn sốt tiền ảo, thúc đẩy hacker thực hiện hàng loạt các hình thức tấn công nhằm biến máy tính người dùng thành công cụ đào tiền. Mới nhất, mã độc đào tiền ảo ẩn dưới dạng file .zip đã bùng phát trên Facebook từ ngày 19/12 và ước tính đã có hơn 23.000 máy tính tại Việt Nam nhiễm virus này.

Bên cạnh đó, lỗ hổng Blueborne trong công nghệ kết nối không dây Bluetooth đẩy 8,2 tỷ thiết bị IoT trên toàn cầu sử dụng công nghệ này rơi vào vòng nguy hiểm. Hay KRACK, lỗ hổng cho phép hacker xâm nhập vào hầu hết mạng Wi-Fi mà không cần mật khẩu, khiến các thiết bị IoT có kết nối Wi-Fi đối mặt với cuộc tấn công mạng quy mô lớn chưa từng có.

Lý giải cho việc gia tăng các cuộc tấn công vào thiết bị IoT, Bkav cho rằng, nhà sản xuất thường để mật khẩu quản trị mặc định và không khuyến cáo khách hàng đổi thông số của thiết bị trước khi đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, người dùng chưa có thói quen quan tâm đến an ninh của thiết bị, thường không thay đổi mật khẩu mặc định.

Một nghiên cứu của Bkav cho thấy có tới 76% camera IP tại Việt Nam hiện vẫn dùng tài khoản và mật khẩu được nhà sản xuất cài đặt sẵn. Việc cập nhật bản vá cho lỗ hổng trên thiết bị IoT cũng không đơn giản như cập nhật cho phần mềm, đòi hỏi sự can thiệp trực tiếp từ phía người dùng với kiến thức về mạng máy tính. Do đó, khả năng người dùng lơ là, không quan tâm đến lỗ hổng dù được cảnh báo là rất cao.

Bkav nhận định, trong thời gian tới hình thức đào tiền ảo bằng cách phát tán virus có xu hướng tiếp tục bùng nổ thông qua Facebook, email, qua lỗ hổng hệ điều hành, USB. Dự kiến năm 2018 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ các cuộc tấn công phát tán mã độc nhằm thu lợi bất chính như mã độc mã hóa tống tiền ransomware, mã độc đào tiền ảo…