Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2018: Việt Nam đứng vững bất chấp xu hướng bảo hộ, rũ bỏ cam kết quốc tế

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi gặp gỡ báo chí để tổng kết về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018 cũng như đề ra phương hướng trong năm 2019. 

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Xin Phó Thủ tướng đưa ra nhận định, tổng kết về công tác đối ngoại trong năm 2018.

Nhìn lại năm 2018, điều trước tiên phải nói là tình hình thế giới diễn biến hết sức bất lường, có những lúc không theo chiều hướng chúng ta dự đoán hay suy nghĩ. Chiều hướng các nước quay lại chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề chủ nghĩa dân túy…

Bên cạnh đó là sự xuất hiện của trào lưu rũ bỏ và nhìn nhận lại các cam kết quốc tế, cơ chế đa phương. Trong khi đó, Việt Nam cũng như phần lớn đông đảo các nước vẫn dựa trên các cơ chế đa phương và luật pháp quốc tế.Trong bối cảnh đó, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước chúng ta vẫn triển khai đầy đủ, với chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao đến các nước tiếp tục mở rộng, qua đó có thể thấy vai trò vị thế của Việt Nam cũng như hoạt động đối ngoại hết sức hiệu quả và cần thiết.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp tục mở rộng và nâng cấp quan hệ với một số nước, đây không phải điều dễ dàng trong một năm có nhiều biến động phức tạp.

Một dấu ấn hết sức quan trọng của chúng ta là đóng vai trò, tham gia tích cực vào các hoạt động đa phương và tổ chức tại Việt Nam các diễn đàn đa phương quan trọng, đặt ra được những vấn đề quan tâm chung. Kết lại như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị ngoại giao 30: “Hoạt động đối ngoại là điểm sáng trong thành công của Việt Nam trong năm 2018.”

Ngày 14/1, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và kỳ vọng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sớm có hiệu lực thời gian tới. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào dưới góc nhìn đối ngoại về cơ hội và thách của Việt Nam, cũng như vai trò của ngoại giao đa phương trong việc mở rộng thương mại, đầu tư trong năm 2018?

Đất nước phát triển trong thời gian qua với con số tăng trưởng hàng năm duy trì ở mức cao. Năm 2018 tăng trưởng đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Một trong những nguyên nhân cho kết quả khả quan này là kinh tế đối ngoại, thương mại đầu tư trong năm qua đóng góp hết sức tích cực cho quá trình phát triển. Trong năm qua, Việt Nam đã tham gia rất tích cực, đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều bên.

Cho đến nay, có trên 16 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia, đang thảo luận và ký kết.

Hiệp định CPTPP hôm 14/1 đã có hiệu lực, trong đó Việt Nam là nước thứ 7 trong số 11 quốc gia thành viên phê chuẩn. Đây là hiệp định thế hệ mới mang lại cả cơ hội và thách thức. Theo ước tính, việc tham gia CPTPP sẽ giúp tăng lên 1,3% cho GDP và 4% cho tăng trưởng XNK Việt Nam nhưng đó là trong trường hợp chúng ta tận dụng được hết các điều khoản và dòng thuế trong CPTPP. Do đó, thách thức là Việt Nam phải tăng cường khả năng cạnh tranh nếu muốn thụ hưởng được thuận lợi và cơ hội từ Hiệp định này cũng như EVFTA sắp tới.Đây là những lợi thế cần phải tận dụng cơ hội mới có được chứ không phải hiển nhiên.

Việt Nam có nhiều FTA, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do trong ASEAN, thị trường hơn 650 triệu dân nhưng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua chưa tranh thủ được nhiều. Năm 2019, chúng ta bắt đầu thực hiện cam kết của ASEAN, tức là giảm toàn bộ thuế quan về 0 thì khả năng cạnh tranh cao. Do đó, kinh nghiệm cho chúng ta là ngay từ đầu cần tận dụng các FTA thì doanh nghiệp mới phát triển được.

Việt Nam sẽ giữ vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2020, công tác chuẩn bị cho sự kiện này đến nay như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Sau 10 năm, Việt Nam sẽ lại nắm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN và đã chuẩn bị từ rất sớm cho việc này. Cuối tháng 12/2018, chúng ta đã thành lập Ủy ban quốc gia về ASEAN 2020. Bản chất của người Việt Nam là luôn lo xa và chuẩn bị trước. Kinh nghiệm là việc chuẩn bị đầy đủ đã giúp Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như Diễn đàn APEC năm 2017.

Về năm ASEAN 2020, Việt Nam đã chuẩn bị 3 khâu chính. Thứ nhất, chúng ta đang chuẩn bị về nội dung để đảm bảo sự thành công cho năm ASEAN 2020. Thứ hai, Việt Nam cũng hướng đến khâu tổ chức, hậu cần cho các hoạt động tổ chức ASEAN và chúng ta đã có kinh nghiệm, uy tín trong vấn đề này. Thứ ba, trong năm 2020 chúng ta phải quảng bá để nâng tầm Việt Nam hơn nữa.

Việc quan trọng nhất hiện nay là nội dung của năm ASEAN 2020, với tinh thần như chỉ thị của Ban Bí thư đưa ra ngày 8/8/2018 về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng: chủ động, tích cực, dẫn dắt trong vấn đề này. Điều đó phải được thể hiện trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Tình hình ASEAN hiện nay về cơ bản là tích cực, cộng đồng ASEAN có tiến triển tốt, nhưng vẫn còn khó khăn trong vấn đề nội bộ. Điều đó đặt ra nhiệm vụ cho Chủ tịch ASEAN 2020 phải hết sức chủ động, hiệu quả và sáng tạo.

Xin cảm ơn ông!