Năm 2019: Việt Nam sẽ “tốt nghiệp” ADF

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra lộ trình chấm dứt việc cung cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam thông qua Quỹ phát triển châu Á (ADF).

Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam: Sau 2017, ADB vẫn sẽ hỗ trợ Việt Nam qua các khoản vay OCR
Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam (giữa): Sau 2017, ADB vẫn sẽ hỗ trợ Việt Nam qua các khoản vay OCR
Thông tin trên đã được chính ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam xác nhận. Cụ thể, theo lộ trình của ngân hàng này, bắt đầu từ 1/1/2019 sẽ chấm dứt cho Việt Nam vay vốn từ quỹ ADF.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 năm tới Việt Nam sẽ buộc phải “tốt nghiệp” đối với 2 khoản vay ưu đãi từ quốc tế. Khả năng lớn, ngay từ 1/7/2017, Ngân hàng Thế giới cũng sẽ chấm dứt nguồn vốn vay IDA đối với Việt Nam.

Nói về lý do chấm dứt nguồn ADF này, ông Sidgwick cho biết, tiêu chuẩn để có thể vay vốn sẽ dựa trên chỉ số thu nhập quốc dân (GNI) của quốc gia cần vay. Khi chỉ số này vượt ngưỡng việc cho vay sẽ phải chấm dứt và Việt Nam đã đạt mốc GNI cho phép từ 5 - 6 năm trở lại đây.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như số lượng quốc gia đã cho Việt Nam vay vốn, chỉ số tín nhiệm do các tổ chức như Standard & Poor hay Moody đánh giá thế nào… cũng là các yếu tố đã được ADB cân nhắc và đánh giá để đưa ra quyết định chấm dứt nguồn ADF cho Việt Nam, ông Sidgwick chia sẻ.

Tuy nhiên, đại diện của ADB cũng cho biết, dù có phải “tốt nghiệp” ADF thì ngân hàng này vẫn có thể hỗ trợ Việt Nam thông qua các khoản vay thương mại (OCR). Đặc biệt, từ đầu 2017, ADF và OCR sẽ được sáp nhập lại, điều này sẽ giúp ADB linh hoạt hơn trong việc phân bổ vốn vay tại Việt Nam, thậm chí có thể tăng tới 25% so với dư nợ hiện nay hoặc hơn nữa.
Kể từ năm 1993 đến hết 2014, ADB đã hỗ trợ Việt Nam đạt tổng giá trị 13,91 tỷ USD. Bao gồm 150 khoản vay (tổng trị giá 13,34 tỷ USD), 287 dự án hỗ trợ kỹ thật (tổng trị giá 266,55 triệu USD) và 32 khoản viện trợ không hoàn lại (tổng trị giá 307,99 triệu USD).
Các lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các khoản vay lũy kế là giao thông và thông tin liênlạc (32,3%), năng lượng (17,6%), nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên (13,1%).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần