Hà Nội hiện chiếm 65% nhà KH trong cả nước, có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trên 100 trường đại học, cao đẳng, 45 trường trung học, 113 viện nghiên cứu, chiếm 80% tổng số toàn quốc và quản lý trên 320 tổ chức KH&CN trên địa bàn. Theo Chiến lược, mục tiêu tổng quan, đến năm 2020, TP Hà Nội phát triển KH&CN, đồng bộ cả KH xã hội nhân văn, KH kỹ thuật và đưa lĩnh vực này thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Phần lớn các ý kiến đóng góp, đồng tình cơ bản nội dung Chiến lược và đề xuất, cần có nhiều giải pháp ứng dụng. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đề nghị, cần quan tâm đến nghiên cứu, sản xuất và lai tạo giống; từng bước hình thành những vùng chăn nuôi quy mô lớn, chất lượng cao; nghiên cứu xử lý môi trường nước, xử lý chất thải nông nghiệp, như chế biến rơm rạ thành thức ăn chăn nuôi và trồng nấm; có cơ chế đặt hàng các nhà khoa học cả trong và ngoài nước...
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng: “Thông tin hiện thì nhiều, nhưng lại thiếu những thông tin định hướng, có tính ứng dụng. TP nhiều năm triển khai việc xử lý ô nhiễm làng nghề mãi không xong!”.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội phải trở thành trung tâm phát triển CN cao, đi đầu nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của cả nước và có uy tín trong khu vực.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch đề nghị các lãnh đạo cấp, các ngành và Sở KH&CN cần quán triệt quan điểm và nhận thức, trong phát triển KH&CN, lấy ứng dụng là chính, đi vào những đề tài nội dung, có ứng dụng thiết thực mà đời sống xã hội đang đòi hỏi. Bởi vậy, cần lựa chọn lĩnh vực, có trọng tâm trọng điểm, đi thẳng đến mục tiêu hiện đại hóa nhằm đưa Hà Nội là là trung tâm hàng đầu về năng lực KHCN.
Để thực hiện, cần tập trung xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế chính sách khuyến khích KH&CN phát triển. Ban soạn thảo cần tập trung, các giải pháp huy động các nguồn lực xã hội trong phát triển KH&CN; xây dựng mối liên kết giữa nghiên cứu và ứng dụng, từng bước hình thành thị trường KH&CN Thủ đô. Đồng thời, hàng năm ra được “đầu bài” - lập được danh mục đầu tư và công khai, nhất đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghệ cao, vườn ươm công nghệ... để thu hút nguồn lực xã hội hóa (trong và ngoài nước) triển khai.
Chỉ tiêu KH & CN Hà Nội đến năm 2015 - 2020: Năm 2015, giá trị sản phẩm công nghệ (CN) cao và sản phẩm ứng dụng CN cao đến chiếm 20% GDP và 50% vào năm 2020 ; tốc độ đổi mới thiết bị bình quân 12 – 17%/năm, thị trường giao dịch KH tăng mỗi năm 16 – 17%; Hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng: Trung tâm giao dịch CN thường xuyên, Trung tâm nghiên cứu chuyển giao CN và giám định CN, Trung tâm CN Sinh học và CN Thực phẩm, dự án khu CN cao sinh học, khu công viên phần mềm.... ; hình thành 150 doanh nghiệp KH & CN và đạt 350 doanh nghiệp vào năm 2020. Đến năm 2020, hoàn thành 2 đến 3 đô thị đại học; 10- 15 vườn ươm CN và Công viên KH Hà Nội. Tổng mức đầu tư cho KH & CN phải chiếm 1,5% vào năm 2015 và 2% vào năm 2020… Các lĩnh vực CN then chốt được tập trung là: CN sinh học; CN vật liệu mới; CN cơ khí, điện, điện tử, tự động hóa; CN thông tin… ; Cần ứng dụng KH&CN trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, y dược, quản lý phát triển đô thị và nông thôn mới, lĩnh vực dịch vụ… |