Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2020: Hà Nội phấn đấu 70 - 75% lao động qua đào tạo

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến cuối năm 2019, TP Hà Nội có tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật đạt 67,51%.

Ngày 25/12, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020 do Bộ LĐTB&XH tổ chức trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã tham luận về công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động trên địa bàn TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, tỷ lệ HS, SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 90%.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, công tác đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ tìm, ổn định việc làm cho người lao động vẫn đang và sẽ là những mục tiêu hàng đầu. Vì dạy nghề không chỉ bảo đảm nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân. Và, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và nâng cao năng suất lao động.
Đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội có 370 đơn vị trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở hoạt động GDNN. Trong năm 2019, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh và đào tạo cho 205.000 người, đạt 100% kế hoạch năm.
Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật đến cuối năm 2019 đạt 67,51%; trong đó, khu vực thành thị đạt 79,6, nông thôn 54,77%. TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 192.000, đạt 124,6% kế hoạch năm. Tỷ lệ thất nghiệp chung của TP giảm còn 1,7%; trong đó, khu vực thành thị là 2,22%, khu vực nông thôn là 1,16%.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, việc xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa DN với cơ sở GDNN, đào tạo theo địa chỉ sử dụng là một trong những giải pháp quan trọng đã được TP Hà Nội tích cực triển khai.
Qua đó, để nhằm phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động. Đồng thời để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
“Trong năm 2019, TP đã có 538 DN hợp tác với các cơ sở GDNN để tổ chức đào tạo với nhiều nội dung, hình thức liên kết. Trong đó có 107 DN đặt hàng đào tạo và tuyển dụng 16.190 học sinh, sinh viên (HS, SV); 34.200 HS, SV đến thực tập tại DN” - Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý thông tin.
Không chỉ thế, đến nay, Hà Nội đã có 100% các cơ sở giáo dục công lập thuộc TP thực hiện đào tạo gắn với DN và hầu hết HS, SV ra trường đều có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ HS, SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 90%.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng chỉ ra, công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, TP Hà Nội hiện còn gặp một số khó khăn. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa thực sự gắn với đào tạo tại các DN, gắn với quy hoạch phát triển vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới; chất lượng đào tạo chưa như mong muốn... nên tỷ lệ lao động được DN tuyển dụng sau học nghề còn thấp, không lâu dài.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và giải quyết, khắc phục khó khăn, tồn tại, năm 2020, TP Hà Nội tiếp tục tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, khuyến khích mạnh mẽ DN tham gia đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của DN, thị trường lao động.
Bên cạnh đó là triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự DN, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn; tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động.
Cùng với đó, triển khai phương thức đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các cơ sở GDNN sẵn sàng thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2021. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu lao động qua đào tạo cuối năm 2020 đạt từ 70 - 75% theo Nghị quyết HĐND TP Hà Nội đã đề ra.