Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2020, Việt Nam sẽ vận hành thị trường các-bon: Nâng chất lượng tăng trưởng xanh

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là phát biểu của TS Nguyễn Quang Huy -Trưởng phòng Giảm phát thải khí thải nhà kính (KNK) - Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) tại hội thảo "Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam thông qua thị trường các-bon: Cơ hội và thách thức" do Báo TN&MT tổ chức sáng 13/12.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, hiện nay, dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã xây dựng dự án "Chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường các-bon tại Việt Nam" và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn triển khai. Đây là dự án định hướng việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam cũng như cung cấp những công cụ thị trường giúp giảm phát thải KNK, thông qua việc thử nghiệm với 2 lĩnh vực là sản xuất thép và quản lý chất thải rắn. Việt Nam cần giải quyết các thách thức về năng lực giúp xây dựng và quản lý một phần thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước. Xây dựng khung chính sách để vận hành và quản lý thị trường, do chúng ta thiếu các nghiên cứu khả thi về khả năng tham gia thị trường các-bon đối với từng lĩnh vực cụ thể… Vì vậy, xây dựng hành lang pháp luật cho thị trường các-bon vào năm 2020 là việc làm không sớm.

Nhà máy sản xuất xi măng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí và

hiệu ứng nhà kính. Ảnh:  Thụy Anh

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Cục Phát triển DN vừa và nhỏ - Bộ KH&ĐT cho rằng, việc xây dựng và thí điểm thị trường các - bon cùng các công cụ nhằm kiểm soát phát thải KNK. Thúc đẩy quá trình thay đổi công nghệ với chi phí vừa phải với nguồn thu từ bán các tín chỉ các-bon. Thu hút được các nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho các công nghệ phát thải các-bon thấp, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Thu hút được các nguồn hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực từ Quốc tế.

Dưới góc độ DN, ông Văn Khắc Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao cho biết: Giai đoạn 2006 - 2016, công ty đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế KNK như: Tận dụng hơi nhiệt thừa xây dựng 1 nhà máy điện công suất 30 mê - ga - oát, dùng mùn cưa thay than đá và dầu FO trong việc sấy nguyên liệu… Việc làm này giảm tiêu hao nhiên liệu, điện năng - góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu… Phấn đấu đến 2020, công ty có thể tham gia vào thị trường các-bon…

Thực tế, thị trường các-bon tại Việt Nam đã được triển khai từ khi Việt Nam tham gia "Cơ chế phát triển sạch CDM" thuộc Nghị định thư Kyoto. Đây là thị trường với người mua là DN tại nước phát triển và người bán là DN tại các quốc gia đang phát triển. Hiện kết quả tham gia CDM của Việt Nam là rất đáng khích lệ khi đứng thứ 4 thế giới về số lượng dự án và số 11 thế giới về lượng tín chỉ đã được cấp để trao đổi. Nhiều DN của Việt Nam đã thu được những khoản tài chính đáng kể khi thực hiện các dự án CDM… Tuy nhiên, do giảm nhẹ phát thải KNK là một lĩnh vực tương đối mới mẻ đối với phần lớn DN Việt Nam, việc xây dựng và triển khai sẽ gặp phải một số khó khăn như: Thiếu năng lực giúp xây dựng và quản lý một thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước. Chưa có khung chính sách để vận hành và quản lý thị trường. Các hướng dẫn đăng ký, phương pháp luận, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định còn thiếu… Vì vậy rất cần sự chung tay của cơ quan quản lý và DN để từ đó nâng cao chất lượng tăng trưởng xanh tại Việt Nam.