Năm 2021 Bình Dương ước đạt thặng dư thương mại 6,8 tỷ đô la Mỹ

DUY CHÍ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng với tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, năm 2021 tỉnh Bình Dương tiếp tục đạt thặng dư thương mại 6,8 tỷ đô la Mỹ.

Là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng với tinh thần chủ động, linh hoạt “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp song song và đồng bộ như các mô hình sản xuất "3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “doanh nghiệp 3 xanh” kết hợp với cung ứng đầy đủ hàng hóa nhu yếu phẩm; tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư, khu công nghiệp, doanh nghiệp tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho người lao động, triển khai có hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp, doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu…
 Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh  là một trong nhiều giải pháp duy trì tỷ lệ tăng trưởng, xuất nhập khẩu các năm qua tại Bình Dương. (ảnh. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh (bìa phải) tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hoa Kỳ tại Bình Dương 2021)
Kết quả năm 2021, tỉnh Bình Dương ước đạt kim ngạch xuất khẩu 31,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,5%. kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24 tỷ 690 triệu đô la Mỹ, tăng 14,7% so với năm 2020 và đạt thặng dư thương mại 6,8 tỷ đô la Mỹ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: “Thị trường thế giới bắt đầu hồi phục, các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng…Tỉnh Bình Dương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất – xuất khẩu. Nhất là các mặt hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh”.
 Dù chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nhưng sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu tại Bình Dương vẫn duy trì tăng trưởng (Ảnh: Hoạt động vận tải hàng hóa tại ICD Tân Cảng, Sóng Thần, Bình Dương)
Sau hơn 3 tháng căng mình chống dịch Covid-19 (từ tháng 7 đến tháng 10/2021), tỉnh Bình Dương thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế và chuyển hướng từ tập trung chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt bằng các vận dụng sáng tạo các chính sách nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp như: Đầy mạnh cải cách hành chính, miễn giảm tiền thuê đất; ân hạn và miễn giảm thuế, đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động…Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư như thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của doanh nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần