Năm 2021, Đà Nẵng tập trung khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế

QUANG HẢI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đà Nẵng lấy chủ đề cho năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Theo đó, thành phố động lực của miền Trung này đặt chỉ tiêu tổng sản phẩm xã hội (GRDP) năm 2021 tăng 6% so với năm 2020.

Tăng trưởng kinh tế năm 2020 khá thấp do dịch Covid-19

Ngày 4/12, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XXII. Báo cáo tại hội nghị cho biết: Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2015 - 2020, năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và TP, năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP. Tuy nhiên, Đà Nẵng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và tình hình mưa bão diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, đời sống người dân…
Theo đó, kinh tế Đà Nẵng năm 2020 đạt mức tăng trưởng khá thấp so với kế hoạch. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) ước đạt 101.233 tỷ đồng, giảm 9,77% so với năm 2019 (nghị quyết đề ra tăng 9%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 87,16 triệu đồng (tương đương 3.678 USD), giảm 10,2%.
Kinh tế Đà Nẵng năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Trong đó, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19, nhất là ngành du lịch. Ngoài ra, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 10,7% so cùng kỳ; ngành công nghiệp công nghệ thông tin duy trì được sự ổn định; tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 14.053 tỷ đồng, bằng 90,7% kế hoạch; trong đó kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 97 triệu USD, tăng 9%.
Sản xuất nông nghiệp ít bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng bị thiệt hại khá lớn do mưa bão gây ra. TP đã hoàn thành 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân về phát triển thủy sản, nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 21.742 tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán.
Báo cáo tổng kết cũng cho biết, chủ trương “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, nhất là thu hút đầu tư trong nước đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 1 dự án và quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nhiệp với tổng vốn đầu tư 16.373 tỷ đồng, gấp 1,9 lần số vốn so cùng kỳ; 14 dự án trong các khu công nhiệp, khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 2.185,5 tỷ đồng, gấp 2,6 lần số vốn so cùng kỳ. Bên cạnh đó, TP cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 78 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 128,2 triệu USD, giảm 37,1%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 34.499 tỷ đồng, giảm 11,2%.
Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực. Đến 30/10/2020, tổng giá trị giải ngân ước đạt 4.950 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch Trung ương giao, bằng 40,3% kế hoạch TP giao, tăng 2.585 tỷ đồng và gấp 2,1 lần so cùng kỳ; ước đến hết năm 2020, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch Trung ương giao.

2021, Đà Nẵng khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế

Hội nghị đã thống nhất chủ đề cho năm 2021 là: “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”.
Theo đó, Đà Nẵng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu sau: GRDP (giá so sánh 2010) tăng 6% so với năm 2020; Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ tăng 5-6%; Giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6-7%; Giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp tăng 3-4%; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 6-7%; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 100% số thu thực tế của năm 2020; Tổng vốn đầu tư phát triển ước tăng 6-7%; Tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm 4,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn TP đến cuối năm giảm còn 1,04%...
Năm 2021, Đà Nẵng tập trung khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Để đạt được những mục tiêu trên, Thành ủy Đà Nẵng tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP; xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, vừa đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sớm khôi phục tăng trưởng kinh tế thành phố; tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Cần tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực đầu tư

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, mặc dù gặp phải khó khăn nhất định nhưng trên lĩnh vực thu hút đầu tư vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. TP đã có nhiều chủ trương để triển khai kế hoạch công khai các quỹ đất và thu hút đầu tư. Nhờ đó, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, nhiều dự án lớn đã đưa vào hoạt động đúng tiến độ cam kết và khởi công, mở rộng đầu tư.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn nhất định TP phải đối mặt, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 mà Đà Nẵng là tâm dịch thứ 2. Mới đây đã phát hiện ca lây nhiễm ra cộng đồng sau 88 ngày tại TP Hồ Chí Minh, cũng như tình hình mưa bão diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của  TP Đà Nẵng năm 2020, cũng như cả nhiệm kỳ 2015-2020.
Về nhiệm vụ năm tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh phải quyết tâm khôi phục phát triển kinh tế, vì tất cả những việc này đều gắn với sự phát triển chung của thành phố. Ông Quảng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, ban, ngành, đoàn thể nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phân công trách nhiệm rõ ràng, bám sát và triển khai có kết quả Nghị quyết Đại hội, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 .
Đồng thời đề nghị thời gian tới, Ban cán sự đảng ủy UBND TP Đà Nẵng cần có đề xuất cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, khơi thông nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn còn vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm; khuyến khích đầu tư phát triển khối kinh tế tư nhân, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, hỗ trợ mạnh mẽ chuyển đổi kinh tế số, thúc đẩy kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.