Nối bật trong công tác phòng, chống Covid-19
Theo đánh giá chung của Sở TT&TT Hà Nội, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng toàn ngành TT&TT đã có nhiều đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của TP.
Một trong những điểm nhấn năm 2021 là Sở TT&TT đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp cũng như nhiệm vụ liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.
Có thể kể đến như đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên báo chí, Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, hệ thống truyền thanh cơ sở, ứng dụng Zalo và mạng xã hội Lotus, trên trang/cổng thông tin điện tử của các đơn vị.
Sở TT&TT cũng chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tổng hợp số liệu, nắm bắt thông tin trên báo chí, mạng xã hội để kịp thời cập nhật, báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TP.
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phòng chống dịch cũng được tăng cường. Người dân, cán bộ công chức viên chức, người lao động tại đơn vị được hướng cài đặt ứng dụng Bluezone/Pc-Covid. Triển khai việc quét mã QR để quản lý thông tin người ra vào cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Sở TT&TT còn phối hợp với Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT và Sở Y tế xây dựng phần mềm quản lý người nhiễm SARS-CoV2 (F0) thể nhẹ, không triệu chứng và phần mềm quản lý F1 tại nhà. Triển khai lắp đặt camera giám sát, mua sắm thiết bị CNTT, đảm bảo thông tin liên lạc cho các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 do UBND TP thành lập.
Đáng chú ý, Sở TT&TT đã thiết lập và duy trì hiệu quả Tổng đài 1022 để triển khai tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19.
Phối hợp Công an TP trong việc cấp giấy đi đường cho nhân viên các doanh nghiệp bưu chính viễn thông trong thời gian giãn cách xã hội. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, trên địa bàn TP.
Theo số liệu của Sở TT&TT, tính đến 31/12/2021, trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 8.476 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử. Tổng doanh thu của khối này vào khoảng 321.315 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 189.500 lao động. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội về linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi, điện thoại và linh kiện là 2.893 triệu USD.
Doanh thu của các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông trên địa bàn TP đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2020. Số thuê bao điện thoại cố định khoảng 490.000, giảm 14% so với năm ngoái. Số thuê bao điện thoại di động (trả trước và trả sau) khoảng 12,3 triệu, tăng khoảng 5% so với năm trước đó. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 75%.
Đánh giá về tình hình hoạt động của 8 cơ quan báo chí thuộc Hà Nội, Sở TT&TT cho rằng, các đơn vị luôn tuân thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo, định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Góp phần định hướng thông tin, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
2022 là năm Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Sở TT&TT sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP ban hành và triển khai các kế hoạch quan trọng như “Kiến trúc Chính quyền điện tử TP Hà Nội”, “Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”… Hoàn thiện xây dựng Đề án “Xây dựng TP Hà Nội thông minh đến 2025, định hướng đến 2030.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển CNTT, điện tử - viễn thông làm nền tảng cho phát triển Chính quyền điện tử TP Hà Nội. Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNTT, công nghệ số, triển khai hiệu quả Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội.
Đối với lĩnh vực báo chí, Sở TT&TT tiếp tục tham mưu UBND TP thực hiện giai đoạn II Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025. Tăng cường công tác đấu tranh với các quan điểm sai trái, kịp thời ngăn chặn, bóc gỡ những thông tin xấu, độc trên môi trường mạng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đánh giá, dù gặp nhiều khó khăn thách thức do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Sở TT&TT đã hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, triển khai các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch được TP ghi nhận và đánh giá cao.
Công tác quản lý nhà nước về thông tin, báo chí, xuất bản trên địa bàn TP tiếp tục được tăng cường. Sở TT&TT đã thực hiện tốt việc tổ chức hưởng dân và cung cấp thông tin cho báo chí tuyên truyền khoảng 400 nội dung dưới nhiều hình thức như Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, email công vụ, mạng xã hội: zalo, facebook... Kiểm soát tốt thông tin trên mạng, tích cực xử lý các thông tin xấu, độc tác động tiêu cực tới cộng đồng.
Các cơ quan báo chí đã triển khai hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt đối với các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của TP, trọng tâm là tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, góp phần vũ, động viên toàn thể nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, khơi dậy niềm tự hào, tạo lòng tin đối với Đảng, với chính quyền trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Nói về nhiệm vụ trong năm 2022, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng khẳng định, đây sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Là năm đầu thực hiện các chiến lược mới, cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Do đó, Sở TT&TT cần tiếp tục tham mưu UBND TP và hướng dẫn các đơn vị của TP thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030… xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của TP, tập trung tuyên truyền công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy - UBND TP và các giải pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng, tham mưu xử lý các vấn đề “nóng”, bức xúc báo chí phản ánh và dư luận.
''Ngoài ra, Sở TT&TT cũng cần tăng cường quản lý nhà nước về thông tin điện tử, tích cực đấu tranh với các quan điểm sai trái, kịp thời ngăn chặn, bóc, gỡ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng trên môi trường mạng'', Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng giao phó.