Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2022, Quảng Ngãi phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5 - 6%

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi xác định thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tổng quát là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Ngày 30/12, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Quang cảnh hội nghị.
Năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5 - 6%; GRDP bình quân đầu người khoảng 3.280 USD; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 64 - 65%; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 29.000 - 31.000 tỷ đồng; phấn đấu thu ngân sách vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao trên 10%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 29%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 43,8%; có 5 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới...
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm 2022 là tiếp tục tập trung phòng, chống dịch Covid-19; chủ động xây dựng và kịp thời triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để khơi thông “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là quỹ đất cho doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh phát triển du lịch; xúc tiến thương mại và kích cầu tiêu dùng nội địa; tăng cường biện pháp quản lý thu chi ngân sách nhà nước.
Về phát triển văn hóa - xã hội, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế; thực hiện hiệu quả các chương trình giáo dục ở các cấp học, sớm đưa học sinh trở lại trường học khi đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; triển khai hiệu quả chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; chương trình khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2025.
 Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Tại hội nghị này, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần khắc phục triệt để những hạn chế trong năm 2021 và nỗ lực nhiều hơn nữa để thành tích trong năm 2022 đạt được cao hơn. Trong đó, cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, giữa ngành với địa phương; nâng cao tính chủ động và chất lượng trong công tác tham mưu, đề xuất.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 6,05%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực duyên hải miền Trung, đứng thứ 26 các tỉnh, thành trong toàn quốc. Quy mô kinh tế của Quảng Ngãi đứng thứ 22. Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 19,3% so với năm 2020, vượt 20% kế hoạch năm. Trong năm, Quảng Ngãi có 16/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đây là những kết quả đáng trân trọng trong điều kiện rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ.
“Đặc biệt, tuy còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng tỉnh đã thực hiện được mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Đây vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục thực hiện trong năm 2022” - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Khắc phục điểm yếu và định hình thế mạnh để phấn đấu thực hiện mục tiêu năm 2022, ông Đặng Văn Minh yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương tập trung cao độ, phân tích kỹ 25 chỉ tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ - giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Đáng chú ý, thu tiền sử dụng đất và cải cách hành chính vẫn là hai nội dung lớn trong năm tới. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các ngành, địa phương phải triển khai thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả hơn, trong đó cần rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xác định giá đất khởi điểm; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.