Gần 1,2 triệu tỷ đồng bơm vào nền kinh tế
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế (tính đến 22/12/2021) tăng 12,68% so với cuối năm 2020, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 12,97%. Với con số này, tương đương khoảng 1,19 triệu tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong năm 2021.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến ngày 30/11/2021 đạt 245.199 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại họp báo, |
Trong năm, ngân hàng đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. NHNN đã 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đến 20/12/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hơn 1,96 triệu khách hàng đã được miễn, giảm lãi với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng; tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng.
Đối với năm 2022, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu. Phương án tín dụng sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch. Không tập trung vốn cho những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản bao gồm đầu cơ, vốn cho dự án lớn với rủi ro hệ số cao; đầu cơ, tăng trưởng nóng không giúp thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định…
“Không những không tăng tín dụng vào lĩnh vực không ưu tiên mà còn kiểm soát chặt chẽ, thậm chí sẽ còn thanh tra… “NHNN đã phê duyệt chương trình giám sát 2022, theo đó sẽ thanh tra giám sát vốn vào một số lĩnh vực không an toàn, đảm bảo an toàn hệ thống” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm.
Nợ xấu tiềm ẩn, duy trì ổn định lãi suất
Liên quan đến lãi suất năm 2022 có tiếp tục giảm hay không, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Năm 2021 mặt bằng lãi suất đã được NHNN giảm, xu hướng này từ 2020 (giảm 1%), năm 2021 giảm 0,82%. Như vậy xu hướng lãi suất cho vay giảm. Với xu hướng giảm như vậy, riêng 5 lĩnh vực ưu tiên các TCTD cho vay thực bình quân là 4,32%, thấp hơn trần NHNN đề ra 4,5%. Thấp hơn với mặt bằng các nước ASEAN.
“Năm 2022, với tình hình lạm phát và áp lực lạm phát toàn cầu, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có xu hướng thu hẹp nới lỏng tiền tệ và tăng lãi suất. Bối cảnh đó để duy trì lãi suất không thay đổi là áp lực rất lớn”- đại diện Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ. Dù vậy NHNN vẫn khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, DN và nền kinh tế.
Đối với vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9%; nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý là 3,79%; Nếu xét đến các tác động của dịch bệnh, các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi), tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2% (cuối năm 2020 là 5,08%).
"Con số nợ xấu này không ai mong muốn nhưng do dịch bệnh, chúng ta cần nhìn nhận khách quan để cùng xử lý nợ xấu này, thậm chí tỷ lệ nợ xấu này còn có thể cao hơn nếu dịch bệnh tiếp tục gây khó khăn cho DN, nền kinh tế trong thời gian tới" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Về tỷ giá, NHNN điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. “Ổn định nhưng không cố định” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh và cho biết dự trữ ngoại hối hiện hơn 100 tỷ USD. Dự kiến kiều hối năm 2021 là 12,5 tỷ tăng 10% so với 2020, trong đó chuyển qua các tổ chức tín dụng là 70%, qua các công ty kiều hối là 28%, còn lại là qua bưu điện và hải quan. |