Năm 2022 - thoát nước đô thị vẫn gặp nhiều khó khăn

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn biến phức tạp của thời tiết, hạ tầng thoát nước nhiều khu vực bị thu hẹp… khiến công tác thoát nước mùa mưa năm 2022 tiếp tục được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thời gian tiêu thoát nước ở các điểm ngập úng có thể sẽ lâu hơn các năm trước.

Còn 11 điểm trọng yếu về ngập úng

Năm 2021, mặc dù thời tiết có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của dịch Covid-19… song với sự chỉ đạo quyết liệt của TP, sở, ngành, đặc biệt là các đơn vị chịu trách nhiệm duy trì, vận hành hệ thống thoát nước tình trạng ngập úng tại Thủ đô đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những kết quả đó khó có thể duy trì được trong mùa mưa năm 2022.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nạo vét cống thoát nước tại khu vực Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt. Ảnh: Vân Nhi
Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nạo vét cống thoát nước tại khu vực Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt. Ảnh: Vân Nhi

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, theo dự báo, trong năm 2022, Hà Nội sẽ có 11 điểm trọng yếu về ngập úng. Trong đó, lưu vực sông Tô Lịch có 8 điểm gồm: Phố Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng trường Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa), phố Hoa Bằng (đoạn từ số nhà 91 đến 97 và số 54 đến 56, quận Cầu Giấy), ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm), phố Cao Bá Quát (đoạn qua Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, quận Ba Đình), phố Thụy Khuê (dốc La Pho, quận Tây Hồ), phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), phố Nguyễn Chính (đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mưng Tân Mai, quận Hoàng Mai).

Lưu vực sông Nhuệ 1 điểm – khu vực Đại lộ Thăng Long (đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, km9+656; nút giao An Khánh, quận Nam Từ Liêm); Khu vực sông Cầu Bây (quận Long Biên) có 2 điểm gồm: Phố Ngọc Lâm (đoạn từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường Đô thị Gia Lâm); Đường Hoàng Như Tiếp (đoạn từ trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp – Ái Mộ).

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ngoài việc hạ tầng yếu kém, một trong những nguyên nhân chính khiến công tác thoát nước gặp nhiều khó khăn đó là tiến độ xây dựng của các dự án phát triển hạ tầng, trong đó có cả các dự án nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước. Dẫn chứng cho vấn đề này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, tại khu vực phố Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho, quận Tây Hồ) – nơi việc tiêu thoát nước phụ thuộc chính vào hệ thống mương Thụy Khuê. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án cải tạo mương Thụy Khuê vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng, giải phóng mặt bằng nên việc tiêu thoát nước gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, tại khu vực Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, việc nhà ga tàu điện S12 chậm triển khai đã khiến hệ thống tiêu thoát nước trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi, để thực hiện dự án, đơn vị thi công đã nắn dòng đường thoát nước chung của tuyến vào một đường ống riêng chạy sát với công trường thi công. Song, đường ống này chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước trong khu vực, làm chậm khả năng tiêu thoát nước, tăng thời gian úng ngập khi có mưa lớn.

Cần sự vào cuộc của các đơn vị có liên quan

Đề cập đến việc dự án cải tạo mương Thụy Khuê bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước chung của TP, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh cho biết, đến nay, UBND quận đã triển khai thi công hoàn thành được khoảng 70% khối lượng cống hộp. Công tác thi công kéo dài qua nhiều năm chủ yếu là do không có mặt bằng để thi công, vướng mắc lớn nhất tập trung tại các điểm đầu ngõ vào khu vực thi công là các trường hợp thuộc diện tái định cư chưa có quỹ nhà để thực hiện GPMB. Cũng theo ông Hoàng Tuấn Anh, để khắc phục khó khăn trên, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo đơn vị thi công làm đường tạm qua các trường hợp tái định cư để thi công phía trong. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời gây phát sinh nhiều chi phí thi công và kéo dài thời gian thực hiện dự án. “Theo nội dung Quyết định số 4026/QĐ-UBND ngày 26//8/2021 của UBND TP, khối nhà CT2 Xuân La chưa nằm trong danh mục sử dụng là cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19. Do vậy, UBND quận Tây Hồ đề nghị Sở Xây dựng xem xét, báo cáo UBND TP không sử dụng khối nhà trên làm cơ sở thu dung, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện các hạng mục còn lại để đưa quy nhà vào sử dụng, bàn giao các căn hộ tái định cư cho UBND quận Tây Hồ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng” – ông Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.

Đề cập đến các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước tại Thủ đô, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh kiến nghị, TP chỉ đạo các sở ngành, chủ trì với UBND các quận, huyện có liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác chuyển giao quản lý hệ thống thoát nước theo phân cấp. Sớm triển khai nạo vét, bổ cập nước cho Hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước trong hồ, tạo dòng chảy, đảm bảo vệ sinh môi trường trên sông Tô Lịch. Chỉ đạo xây dựng quy trình vận hành trạm bơm Yên Nghĩa với nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết tiêu thoát nước đô thị tại các khu vực Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân…

Cùng với đó, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội kiến nghị Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành 5 công trình sửa chữa, cải tạo thoát nước gồm: Công trình thoát nước khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy; Cải tạo thoát nước phố Khương Hạ (đoạn từ ngã ba Khương Hạ đến sông Tô Lịch); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Trãi; Cải tạo hệ thống thoát nước phố Triều Khúc (đoạn từ ngõ 97 đến Ao Đình); Cải tạo ô số 4 bãi C Yên Sở mở rộng… để đưa vào phục vụ thoát nước mùa mưa 2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần