Báo cáo của BCĐ 389 Quốc gia cho thấy, trong năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ hàng lậu, hàng giả (tăng 4,95% so với cùng kỳ).
Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại (tăng 4,51%); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả (tăng 48%). Qua đó, thu nộp ngân sách Nhà nước 14.570,347 tỷ đồng (tăng 14,97%).
Riêng TP Hà Nội trong năm 2023 đã phát hiện, bắt giữ 3.229 vụ vi phạm về buôn lậu, 1.579 vụ vi phạm về hàng giả, 21.727 vụ vi phạm về gian lận thương mại. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước 4.307 tỷ đồng (tăng 15,78% so với cùng kỳ).
Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, bên cạnh việc lợi dụng cư dân trên tuyến biên giới để thu gom, tập kết, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách thông thoáng trong xuất nhập khẩu hàng hóa, khai báo thủ tục hải quan điện tử sai tên hàng, chủng loại, xuất xứ, số lượng, trị giá hàng hóa, trà trộn, cất giấu hàng lâu với hàng nhập khẩu chính ngạch. Đồng thời, lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan, hàng quá cảnh… để đánh tráo, rút ruột, vận chuyển, tiêu thụ, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa.
Các đối tượng sản xuất hàng giả lợi dụng tâm lý thích hàng ngoại, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng của một bộ phận người tiêu dùng để sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ. Cũng theo các đại biểu, hiện thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, nên các đối tượng buôn lậu, hàng giả lợi dụng lợi ích này để buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu…
Để khắc phục những khó khăn này, các đại biểu kiến nghị, thời gian tới, BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp liên ngành đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, cảng hàng không quốc tế... Hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển vào thị trường nội địa.
Dự báo trong cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi.
Để góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong năm 2024, BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương đặt mục tiêu chủ động xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới. Từ đó đề ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất, thời gian tới các địa phương nên chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp các lực lượng, đơn vị, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm.