Được phép xét tuyển sớm
Trước đó, Bộ GD&ĐT từng khuyến cáo các trường nếu không cần thiết thì không cần xét tuyển sớm vì cuối cùng tất cả thí sinh vẫn đăng ký hệ thống chung của Bộ.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho hay: Theo quy chế, các trường hoàn toàn có thể tổ chức xét tuyển sớm. Việc cung cấp thông tin cho thí sinh khi xét tuyển xong chỉ là tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện. Do đó, các trường vẫn tổ chức xét tuyển sớm bình thường nếu có nhu cầu, đặc biệt với những phương thức xét tuyển kết hợp, tức là sử dụng thêm những thông tin ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ mà các trường kết hợp thêm các tiêu chí khác ví dụ như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ chuẩn hóa quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực, các kỳ thi riêng…
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy lưu ý: Dù có hoàn thành kỳ tuyển sớm cũng không có nghĩa là thí sinh đã được nhận chính thức vào trường đại học đã công bố mà vẫn cần hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Về lịch trình tuyển sinh năm nay, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, trong 3 năm qua do dịch Covid-19 nên lịch trình tuyển sinh bị muộn hơn, đặc biệt có năm phải tổ chức tới 2 đợt thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, với tình hình đã ổn định nên hoàn toàn có thể công bố một kế hoạch tuyển sinh sớm hơn so với các năm vừa qua để các em có thể bắt đầu năm học vào tháng 9/2023.
Do vậy, sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ ngay lập tức tổ chức chạy kết quả lọc ảo và cho kết quả tuyển sinh sớm. Trong tháng 2/2023, khi tổ chức hội nghị tuyển sinh, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh cụ thể và chắc chắn sớm hơn năm vừa qua.
Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: Năm 2023, Bộ GDĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới; có nghĩa là vẫn áp dụng quy chế và quy trình giống năm 2022. Điều này thể hiện sự ổn định giúp thí sinh yên tâm chuẩn bị tốt cho kỳ thi và tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học khẩn trương hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, trong đó lưu ý đơn vị hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh.
Thí sinh cần biết cách sử dụng tài khoản được cấp để đăng ký thi và xét tuyển đại học. Một thí sinh có thể tham gia xét tuyển nhiều ngành khác nhau và nên nhớ là tất cả nguyện vọng đều phải đăng ký lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Mặc dù được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành, song Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thuỷ cho rằng, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, nhất là khi đã được cung cấp thông tin tuyển sinh, định hướng, định hình về nghề nghiệp mà bản thân có sở trường, thế mạnh và mong muốn làm việc sau này. Cùng với đó, thời gian các em đăng ký xét tuyển là sau khi đã có kết quả thi tốt nghiệp THPT, tức là biết được thực lực của mình có thể đỗ vào trường, ngành nào.
Điều lưu ý nữa là thí sinh nên sắp xếp thứ tự ưu tiên xét tuyển cao nhất từ 1 đến hết. Kết quả lọc ảo sẽ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất và cao nhất có thể.
Mùa tuyển sinh trước, có thí sinh đăng ký cả trăm nguyện vọng; có thí sinh đỗ nguyện vọng 1 nhưng lại mong muốn học nguyện vọng 2, thậm chí nguyện vọng 5. Theo quy chế điều này là không thể vì khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi thì các nguyện vọng sau đó không được xem xét nữa. Quy định này giúp hạn chế số lượng thí sinh ảo, không gây ra nhiễu loạn trong quá trình xét tuyển nhưng cũng đòi hỏi thái độ nghiêm túc, trách nhiệm từ phía thí sinh.
“Với hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, thí sinh có thể yên tâm về sự công bằng, minh bạch và tạo cơ hội tối đa cho các em”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định.
Trong hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022, Bộ GD&ĐT nhận định: Công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực, đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ. Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo, góp phần minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống. Từ năm 2023, bên cạnh việc giữ ổn định công tác tuyển sinh; Bộ GD&ĐT cũng tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình xét tuyển.