Năm 2023 - “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”: Tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, TP Hà Nội tiếp tục chọn chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Đây là năm thứ 3 TP chọn chủ đề này nhưng vẫn đang rất phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, chủ đề đó sẽ tiếp tục thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, khuyến khích tư duy đổi mới, tạo thêm đột phá trong thời điểm Hà Nội đang tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tháo gỡ những ách tắc, hiện thực mục tiêu đưa TP phát triển nhanh và bền vững.

Quang cảnh hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII. Ảnh: Thanh Hải
Quang cảnh hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII. Ảnh: Thanh Hải

Như lãnh đạo TP đã nhấn mạnh, thực hiện chủ đề năm 2022, TP đã tạo những bước đột phá trên các lĩnh vực. Hà Nội cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, chuyển thành công sang thích ứng, linh hoạt, an toàn và thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội.

TP đã đạt và vượt tất cả 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, kinh tế tăng trưởng khá cao, ước đạt 8,8%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng 8%), GRDP/người đạt 142,3 triệu đồng...

Phân tích lại tình hình cho thấy, những kết quả ấy đến từ sự sát sao trong chỉ đạo, rõ ràng trong giao nhiệm vụ, quyết đoán trong giải quyết các vấn đề của TP cùng với siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, ngành cũng liên tục được nhắc nhở, thúc đẩy.

Những chính sách đột phá cũng tạo ra chuyển biến tích cực trong điều hành và hoạt động chung từ TP đến cơ sở, từng bước khắc phục những khâu còn yếu kém, trì trệ. Có thể kể đến việc TP đã tích cực tháo gỡ những ách tắc, hỗ trợ nhà đầu tư, DN trong phục hồi sản xuất. Chỉ số hài lòng của người dân, DN tăng cao.

Trong khi đó, năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, yêu cầu phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo tiếp tục được đặt ra.

Bởi thế, việc tiếp tục với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy tinh thần hành động, đổi mới, sáng tạo và tư duy phát triển của từng cấp, ngành. Để từ đó, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả thực thi các nhiệm vụ của TP và từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Qua đó, hoàn thành được những mục tiêu thường kỳ của năm 2023 và tập trung cho nhiều nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…

Chủ đề công tác năm cũng chính là căn cứ quan trọng để các cấp ủy khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ.

Như lãnh đạo TP đã khẳng định, không chỉ dừng ở phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước, TP đã đẩy mạnh giao quyền nhằm phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo và tư duy phát triển của các quận, huyện, thị xã, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, giải ngân vốn đầu tư công, quy hoạch, xay dựng… Đồng thời với siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tăng kiểm tra, giám sát, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều người kỳ vọng, Hà Nội sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ kinh tế, tạo thêm những đột phá mới, thành tựu mới.

Năm 2023 - “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”: Tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 1

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường: Tăng cường các chỉ số giao thông tích cực

Năm 2023, Hà Nội sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực GTVT, đặc biệt là tình trạng quá tải hạ tầng, gia tăng phương tiện cá nhân và lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh gây mất trật tự, ATGT.

Thực hiện chỉ đạo của TP, Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội sẽ tập trung vào công tác quản lý, tổ chức nhằm tăng cường các chỉ số giao thông tích cực. Cụ thể: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển ngành; tăng cường đầu tư, phát triển, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Cùng với đó, điều chỉnh tổ chức giao thông khoa học, hợp lý hơn; phát triển vận tải hành khách công cộng... Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT; tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm, coi đây là giải pháp tích cực nhằm tạo hiệu quả răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Sở cũng cụ thể hóa thành chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể như: Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến hết năm 2023 đạt 21,5 - 23%; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 11 - 11,5% đất xây dựng đô thị; xử lý từ 7 - 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông... Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh, dịch vụ, để xe ô tô, xe máy lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; có giải pháp khắc phục tình trạng quá tải giao thông trên các tuyến đường vành đai, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ những dự án đầu tư, công trình trọng điểm, nhất là hoàn thành đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Tăng khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị. Đặc biệt, tập trung toàn lực cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Triển khai có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP đối với các công tác đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông... (Ngọc Hải ghi)

Năm 2023 - “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”: Tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 2

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan: Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp

Sở Công Thương Hà Nội luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là một những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm, qua đó tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ đầu tư. Đồng thời tích cực triển khai ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, tăng cường đề xuất tích hợp các thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, liên thông điện tử giữa các cơ quan, đơn vị thuộc TP trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Đến nay đã có 100% được đăng tải công khai, hướng dẫn giải quyết trên Cổng giao tiếp điện tử của TP và đăng tải trong chuyên mục "Hướng dẫn và tra cứu thủ tục hành chính" trên Cổng thông tin điện tử Sở. Năm 2022, Sở đã tiếp nhận 44.697 hồ sơ, đã trả 44.543 kết quả (trong đó 43.001 kết quả trước hạn; 1.542 kết quả đúng hạn; không có kết quả trả quá hạn).

Có thể nói, việc đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính của Sở Công Thương nhằm cắt giảm các điều kiện, thủ tục, qua đó giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho DN.

Trong năm 2023, tiếp tục đẩy mạnh trong công tác này, Sở Công Thương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch CCHC năm 2023 của TP; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả hành chính công, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính... C

ùng với đó, tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính, giải đáp các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN; tiến hành tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN; đề xuất chính sách hỗ trợ DN phát triển. Đẩy mạnh CCHC, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ DN trong đăng ký kinh doanh, cấp các loại giấy kinh doanh có điều kiện; triển khai có hiệu quả các dịch vụ công của Sở, đẩy mạnh số lượng dịch vụ công tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. (Hoài Nam ghi)

Năm 2023 - “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”: Tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 3

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định: Bắt tay ngay vào thực hiện từ những ngày đầu năm

Để triển khai hiệu quả chủ đề công tác năm 2023, từ những kết quả đã đạt được trong năm qua, UBND quận Đống Đa xác định triển khai ngay việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để bắt tay ngay vào thực hiện từ những ngày đầu năm, quyết tâm hoàn thành cao nhất toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 với tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

Quận đã xác định việc quán triệt, triển khai đồng bộ chủ đề năm tại tất cả các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và UBND 21 phường, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tổ chức phát động các phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuẩn hóa các quy trình xử lý công việc nội bộ.

Dự kiến, trong năm 2023, UBND quận lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm để triển khai sâu, giám sát, đánh giá định kỳ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Như trong quản lý trật tự đô thị sẽ được tập trung chỉ đạo, tăng cường trật tự kỷ cương đô thị, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán, kiên quyết giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ và các tòa nhà chung cư trên địa bàn. Trong công tác đầu tư xây dựng, quận sẽ tiếp tục quan tâm nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục... (Trần Long ghi)

Năm 2023 - “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”: Tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 4

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành

Năm 2023, thực hiện chủ đề năm, quận Thanh Xuân tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm với quyết tâm cao nhất để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu mà TP giao. Trong đó, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tiếp tục thực hiện “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội” trên địa bàn quận. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Hoàn thành giải phóng mặt bằng 2 dự án: Cải tạo, mở rộng theo quy hoạch đường Nguyễn Tuân; xây dựng tuyến đường vào cụm 3 trường, phường Thanh Xuân Nam.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả thí điểm mô hình chính quyền đô thị; đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu năm 2023 giảm được 40% hộ cận nghèo trên địa bàn theo chuẩn cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025; nâng cao chất lượng toàn diện GD&ĐT, duy trì và giữ vững ở vị trí tốp đầu TP.

Quận cũng tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện có hiệu quả Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn (Đề án 06) theo chỉ đạo của TP. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số... (Hồng Thái ghi)

Năm 2023 - “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”: Tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 5

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh: Sẽ xây dựng thêm hàng loạt cụm công nghiệp

Hàng chục năm về trước, huyện Thường Tín đã xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) đầu tiên làm nền móng. Nhờ vậy, đến nay trên toàn địa bàn huyện đã có 11 CCN và CCN làng nghề hoạt động ổn định ở trên diện tích 195ha, đưa huyện trở thành một trong những huyện đứng ở tốp đầu trong TP có nhiều CCN.

Đây cũng là nhiệm vụ huyện tập trung thực hiện trong năm 2022 và cả năm 2023. Trong đó, năm 2022, huyện có thêm CCN Tiền Phong giai đoạn 2 (8,1ha), CCN Thắng Lợi (8,9ha) đã tiến hành xây dựng và CCN Ninh Sở giai đoạn 2 (7,7ha) đang được gấp rút hoàn thiện hồ sơ pháp lý để sớm thi công.

Bên cạnh đó, dự kiến huyện sẽ có thêm 7 CCN, CCN Làng nghề được UBND TP phê duyệt thành lập mới và mở rộng trong thời gian tới, gồm: Hòa Bình (7ha), Hiền Giang (10ha)...

Đồng thời, trình bổ sung quy hoạch, đề xuất TP thành lập mới CCN Tín An (74ha) và các CCN khác. Cùng với đó, đề xuất điều chỉnh, mở rộng, tìm, triển khai các CCN với loại hình phù hợp như quy mô 11 CCN so với Quyết định số 1292/QĐ-UBND gồm các cụm: Văn Tự, Thắng Lợi, Dũng Tiến… Huyện cũng đề nghị T.Ư, TP bổ sung mới 9 CCN, gồm: CCN Thống Nhất 65ha, CCN Nhất Hiệu 34ha, CCN Vân Ninh khoảng 45ha, CCN Phú Vân 73ha…

Việc thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, thực hiện hiệu quả quy hoạch, phát triển xây dựng CCN chính là tiền đề quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, phát triển du lịch, dịch vụ địa phương, giải quyết việc làm cho lao động. Các CCN đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, giảm ô nhiễm môi trường cho các cơ sở sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân, đây là tín hiệu đáng mừng. (Nguyễn Trường ghi)

Năm 2023 - “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”: Tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 6

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng: Khai thác hiệu quả các nguồn thu, tập trung giải phóng mặt bằng

Huyện Thanh Oai luôn xác định việc thực hiện chủ đề năm 2023 phải đảm bảo thực chất, hiệu quả, do đó đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, xã, thị trấn ngay từ những ngày đầu năm nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023.

Năm 2023, huyện Thanh Oai đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,8%; thu nhập bình quân đầu người 72 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước hơn 1.600 tỷ đồng; tăng thêm 7 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 90% tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch...

Huyện cũng chú trọng một số nhiệm vụ quan trọng như: Khai thác hiệu quả các nguồn thu, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, hấp thụ và giải ngân đảm bảo tiến độ và vượt mức kế hoạch TP giao. Theo đó, huyện tập trung tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ và triển khai thực hiện 5 cụm công nghiệp đã được TP phê duyệt.

Song song với đó, huyện Thanh Oai tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý thực hiện quy hoạch; hoàn thành nhiệm vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mở rộng Quốc lộ 21B, đường trục phát triển kinh tế huyện…

Mặt khác, huyện đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho các xã trong kế hoạch, lộ trình về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, huyện nỗ lực đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; ứng dụng các phần mềm điện tử trong quản lý hành chính nhằm nâng cao hơn nữa chỉ số CCCH năm 2023. (Ánh Ngọc ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần