Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2023, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm tốc

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, bức tranh lợi nhuận ngân hàng vẫn khởi sắc, tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, dù có chậm lại. Tuy nhiên, sang năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng được dự báo thấp hơn đáng kể so với năm trước.

Lợi nhuận suy giảm sau đợt điều chỉnh lãi suất

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2023 do NHNN vừa công bố, tình hình kinh doanh của nhiều ngân hàng trong quý IV/2022 có sự cải thiện. Lợi nhuận trước thuế được nhận định tiếp tục có tăng trưởng nhưng chưa đạt mức kỳ vọng. Năm 2022, 87% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo ước tính từ trung tâm phân tích của Chứng khoán SSI (SSI Research), quý cuối năm, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ, ngoại trừ ba nhà băng HDBank, OCB, MB. Dù vậy, trong nửa đầu năm 2023, vẫn có các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến ngành ngân hàng. Điều này bao gồm áp lực lên lãi suất tương ứng với việc FED tăng lãi suất điều hành, tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc từ mức cao của 2022 và rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn.

Theo công ty phân tích dữ liệu FiinGroup, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng sẽ thấp hơn đáng kể so với năm trước do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.

FiinGroup chỉ ra 5 vấn đề mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong năm 2023.

Đầu tiên, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao nhất là huy động tiền gửi. Điều này tạo áp lực lên việc duy trì NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) ở mức như hiện nay. Mặt bằng lãi suất cao cũng thể hiện ở lợi tức hay lãi suất trái phiếu chính phủ hiện đã tăng gần 80-100 điểm cơ bản và điều này tạo áp lực lên thu nhập từ hoạt động đầu tư mặc dù về hạch toán kế toán thì hầu hết danh mục đầu tư hiện chưa phản ánh theo giá thị trường.

Thứ hai, thu nhập hoạt động dịch vụ phi tín dụng, chủ yếu là bán chéo bảo hiểm, mặc dù đã tăng trưởng mạnh và chiếm khoảng 18.6% tổng thu nhập nhưng hiện không còn dồi dào như mấy năm trước.

Thứ ba, áp lực về đẩy mạnh cho vay do thị trường bất động sản (hiện chiếm khoảng 20% tổng tín dụng) đang gặp khó và thanh khoản chung của nền kinh tế đang bị “nghẽn” ở lĩnh vực BĐS. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 ( tăng 14,5%) thấp hơn hạn mức cho phép (tăng 16%).

Thứ tư, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đang tăng lên do nhiều khoản cho vay với BĐS có thể trở thành nợ xấu nếu tín dụng vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.

Cuối cùng, trái phiếu doanh phi ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng không quá lớn, khoảng 7,6% tổng dư nợ tín dụng ở hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 10/2022, trong đó riêng trái phiếu bất động sản chiếm 3,8%. Tuy nhiên, do môi trường lãi suất cao và nhiều dự án gặp khó về vấn đề pháp lý, triển vọng ngành bất động sản hiện nay kém tích cực, góp phần tăng nợ xấu chéo sang tín dụng ngân hàng khi có nhiều doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu.

Trong báo cáo vừa công bố, Vietnam Investors Vietnam (VIS Rating) lưu ý rằng trong năm 2023, các điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngành ngân hàng. Với việc NHNN tiếp tục duy trì mục tiêu ổn định kinh tế và kiềm chế lạm phát, VIS Rating cho rằng điều hành lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục theo hướng thắt chặt. Theo đó, biên lãi ròng sẽ thu hẹp và rõ nét hơn đối với các ngân hàng nhỏ…

Đặc biệt, biên lãi ròng sẽ thu hẹp do tác động từ những đợt tăng lãi suất chính sách gần đây. Hiện, các ngân hàng đang phải chịu áp lực cạnh tranh kết hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý về lãi suất huy động nhanh hơn lãi suất cho vay, theo đó thu hẹp biên lãi ròng.

Ngoài ra, việc tăng trưởng thu nhập ngoài thu lãi cho vay sẽ giảm tốc do điều kiện thị trường không thuận lợi cũng sẽ là một yếu tố tác động lớn đến khả năng sinh lời của các ngân hàng. Thu phí liên quan đến thị trường vốn từ lưu ký, tư vấn, bảo lãnh và phát hành sẽ thu hẹp do tâm lý kém khả quan trên thị trường chứng khoán và trái phiếu. Kết thúc năm 2022, chỉ số chứng khoán đóng cửa giảm 33% so với đầu năm, và quy mô phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm.

Thực tế, trong quý III/2022, lợi nhuận trước thuế từ báo cáo tài chính của 17 ngân hàng niêm yết tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn 3% so với mức tăng trưởng của quý liền trước chủ yếu do thu nhập ngoài lãi giảm 15,2%.

Rủi ro nợ xấu, tăng trích lập dự phòng

NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Có tổng cộng 7 nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát năm 2023 của ngành ngân hàng. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo các chuyên gia từ VCBS, mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2023 chỉ ở mức 13-15%, tức không có nhiều đột phá so với năm 2022, trước áp lực từ các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá hay bất ổn chính trị trên thế giới.

NIM của các nhà băng cũng sẽ chịu mức điều chỉnh giảm từ quý 4 năm nay cho đến nửa đầu năm 2023, đặc biệt với các ngân hàng nhỏ khó khăn về thanh khoản, trong khi nhóm ngân hàng có lợi thế về CASA, tiếp cận được nguồn vốn vay nước ngoài giá rẻ sẽ chịu ít áp lực hơn.

Trong khi đó, "nợ xấu lại có xu hướng gia tăng do sự đóng băng của thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế chậm lại", VCBS cho biết. điều này buộc các tổ chức tín dụng có thể ghi nhận các khoản nợ xấu tăng nhanh trong 2023, cùng đó là áp lực trích lập dự phòng cao dần trong trong nửa đầu năm 2023. Rủi ro đang thuộc về các nhà băng có tỷ trọng cho vay bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp ở mức cao, hay các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra đánh giá, tốc độ tăng lợi nhuận ngân hàng chậm lại do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro khi nợ xấu có xu hướng gia tăng. Vì thế, khả năng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023 sẽ khó bứt phá.