Năm 2023 tăng 13,5%, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 13,5%. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, đây là số liệu rất tích cực trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ doanh nghiệp vốn kém.

Ngày 3/1/2024, NHNN tổ chức họp báo “Triển khai Nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024”.

Tín dụng tăng tốc tháng cuối năm

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, nền kinh tế nói chung, hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng đã trải qua năm 2023 đầy khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao... Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm....

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại buổi họp báo
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại buổi họp báo

Dẫu vậy, đến nay, tăng trưởng tín dụng đạt ở mức 13,5%. Trước đó, theo số liệu công bố từ NHNN, tính đến ngày 20/12, tín dụng đã tăng 10,85% cao hơn nhiều mức tăng 7% trong 10 tháng năm 2023. “Đây là con số rất tích cực và là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và cả ngành ngân hàng trong cả năm vừa qua và vào giai đoạn cuối năm”- Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Thực tế tháng cuối cùng của năm 2023 cho thấy, khi các ngân hàng được chủ động tăng tín dụng, thì tín dụng đã đi rất nhanh. Có ngân hàng chỉ trong 2 tuần đã tăng thêm được 4-5% tín dụng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2023, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới), hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Nhiều chương trình tín dụng được triển khai nhằm thực hiện tốt chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% nhằm thúc đẩy tổng cầu

Định hướng tín dụng năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

“Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2023 đạt 13,5%, tăng 15% so với cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong năm 2023 đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng, theo đó ước tính 1,3 triệu tỷ đồng đã được bơm ra. Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế - Phó Thống đốc ước tính.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Nói về việc giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, lãnh đạo NHNN cho biết, đơn vị đáp ứng đủ vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.

Cơ sở để tính toán giao chỉ tiêu gồm: Thứ nhất, dư nợ tín dụng tối đa đến 31/12/2024 bằng dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 cộng điểm xếp hạng năm 2022 nhân 3,5%, nhân dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 trừ đi dư nợ tín dụng vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN thông báo năm 2023 (nếu có); trừ các khoản bán dư nợ tín dụng thực hiện bán trong năm 2024 và chưa thu tiền đến thời điểm tính dư nợ tín dụng (nếu có).

Thứ hai, tổ chức tín dụng (trừ ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh) kiểm soát tăng trưởng tín dụng ( bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) không vượt quá mức dư nợ tín dụng được nêu ở Mục 1 trong suốt  năm 2024.

Thứ ba, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) đến cuối năm 2024 không vượt quá mức dư nợ tín dụng được nêu ở Mục 1.

Dư nợ tín dụng để kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng là dư nợ tín dụng được quy định tại khoản 5 Phần 2 Phục lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 11/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2015/TT-NHNN của Thống đốc NHNN.

Phó Thống đốc cho biết NHNN sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD  hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.