70 năm giải phóng Thủ đô

Năm 2024, nhà đầu tư nên bỏ “trứng” vào giỏ nào?

Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù nền kinh tế năm 2024 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng triển vọng tăng trưởng được dự báo vẫn tích cực hơn so với năm 2023. Vậy, đâu là kênh đầu tư nhà đầu tư nên đặt niềm tin?

Nhiều điểm sáng tăng trưởng

Với tác động mang tính độ trễ của các giải pháp từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2022, các chuyên gia nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Tăng trưởng GDP năm 2024 dự kiến sẽ phục hồi quanh mức 6%.

Hình minh họa
Hình minh họa

Chỉ ra những động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam) cho biết, động lực đầu tiên chính là xuất khẩu. Trong năm 2024, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu từ 5 – 7% và không bị âm như năm 2023. Điều này có thể đạt được nhờ việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ phục hồi. Bên cạnh đó, nếu kinh tế Trung Quốc khởi sắc cũng sẽ tạo thêm động lực cho Việt Nam xuất khẩu thêm nhiều hàng hóa sang thị trường này. Động lực thứ hai đến từ giải ngân vốn đầu tư công và mức lãi suất thấp trong cả năm 2024 sẽ là tín hiệu tích cực để phát triển kinh tế.

“Xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ khiến cho lao động khu công nghiệp sẽ quay trở thúc đẩy cho tiêu dùng. Nếu Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT 2% thì đây cũng sẽ là cú hích tiếp theo cho 6 tháng đầu năm 2024” – ông Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận.

Chia sẻ thêm về lãi suất năm 2024, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank Trần Hoài Nam cho hay, hiện nay không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất. Lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm 2023 và sang quý I/2024. Còn sau đó rất khó để đưa ra dự báo trong thời gian dài, tùy thuộc vào biến động kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.

Ông Nam nhận định, hiện tại, các ngân hàng thương mại đều “thừa” thanh khoản. Tuy nhiên, khi các yếu tố vĩ mô tiến triển tích cực hơn kết hợp với môi trường lãi suất thấp thì nhu cầu giải ngân vốn tín dụng sẽ gia tăng.

Kênh đầu tư nào hấp dẫn?

Trong bối cảnh lãi suất rẻ, thị trường bất động sản và trái phiếu còn nhiều khó khăn, tỷ giá khó biến động mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư sáng nhất năm 2024.

Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian tới nhờ lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ...

Đáng chú ý, với nền tảng công nghệ thông tin trên thị trường, giai đoạn kiểm thử của dự án KRX sắp kết thúc và dự kiến vận hành vào cuối năm 2023 được cho là sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới, gồm cả việc đa dạng hóa những sản phẩm dịch vụ và cơ hội nâng hạng thị trường.

Nhận định về cơ hội của ngành chứng khoán, Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty CP Chứng khoán SSI Hoàng Việt Phương cho rằng, dù khó dự đoán chính xác cho năm sau, nhưng những yếu tố tích cực có thể lấn át yếu tố tiêu cực. Đơn cử như việc dòng vốn FDI và xuất khẩu sẽ tốt hơn; đầu tư công tiếp tục duy trì và kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn. “Chúng ta có thể lựa chọn ngành đã rất yếu vào năm nay và năm sau có thể vượt qua khó khăn này. Trong đó có những ngành bám theo các chủ đề như xuất khẩu, đầu tư công, khu công nghiệp, FDI cũng như các ngành năm nay bị ảnh hưởng rất mạnh là vật liệu cơ bản và bán lẻ” - bà Hoàng Việt Phương nhận định.

Dựa trên triển vọng phục hồi của nền kinh tế, Giám đốc Phân tích VDSC Nguyễn Thị Phương Lam dự báo, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2024 ở mức trung bình là 19%. Dự báo đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường sẽ dựa trên các xu hướng là những công ty nổi trội hơn về tăng trưởng lợi nhuận như các công ty công nghệ, chứng khoán. Hiện các doanh nghiệp bán lẻ đang cố gắng hạ lượng hàng tồn kho đang trong xu hướng giảm dần, do đó dự kiến nhóm này sẽ cải thiện tích cực hơn vào năm 2024. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng hỗ trợ nhóm ngành bán lẻ phục hồi. Hiện tại, định giá đang cao hơn mức bình quân 3 năm, tức phản ánh tương đối phù hợp cho kỳ vọng.

Đồng thời, một số nhóm ngành khác cũng mang triển vọng lớn, chẳng hạn như ngân hàng, bất động sản (chọn lọc), hàng tiêu dùng, năng lượng, dịch vụ phần mềm, dược. Đây đều là các ngành VDSC nhận thấy được triển vọng trong 2024.