70 năm giải phóng Thủ đô

Năm 2024 sẽ không gián đoạn nguồn cung xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nay đến cuối năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục triển khai hàng loạt các giải pháp bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Trong đó, trọng tâm là giám sát chặt tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các doanh nghiệp đầu mối đã được phân giao.

Tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu

Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao cho 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện tổng cộng hơn 28,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.

Nhu cầu sử dụng xăng dầu tại thị trường trong nước hiện nay được đáp ứng đầy đủ. Ảnh minh họa
Nhu cầu sử dụng xăng dầu tại thị trường trong nước hiện nay được đáp ứng đầy đủ. Ảnh minh họa

Đối với tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 6 tháng năm 2024, theo báo cáo của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, sản xuất xăng dầu 6 tháng qua đạt 6,87 triệu tấn, tương đương khoảng 8,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Về nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại 6 tháng năm 2024 đạt 5,54 triệu tấn (tương đương khoảng 6,9 triệu m3 tấn), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu xăng dầu tăng do từ tháng 4/2024, nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng, các thương nhân tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh nhận định: “Như vậy, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%”.

Còn theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13,8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 48% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao, giảm 0,28% so với cùng kỳ năm 2023.

Đối với tiêu thụ, 6 tháng năm 2024, cả nước đã tiêu thụ khoảng 13,2 triệu m3 tấn (bình quân tiêu thụ 2,2 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại), giảm khoảng 0,2 % so với 6 tháng đầu năm 2023. Tồn kho thời điểm 30/6/2024 khoảng 1,85 triệu m3/tấn.

Đáng chú ý, trong 6 tháng qua, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 thương nhân đầu mối và 8 thương nhân phân phối; kiểm tra 4 thương nhân đầu mối và xử lý 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 18 thương nhân đề nghị trả lại giấy phép và Bộ Công Thương đã thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận của doanh nghiệp theo quy định. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định, việc các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đảm bảo cân đối cung cầu thị trường

Dự báo nguồn cung xăng dầu những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương thông tin, dự kiến từ nay đến hết năm 2 nhà máy sản xuất trong nước ước đạt khoảng 8,26 triệu tấn, tương đương 9,9 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Về nhập khẩu, ước nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn (tương đương 5,4 triệu m3 tấn xăng dầu các loại).

 Năm 2024 sẽ không gián đoạn nguồn cung xăng dầu.Ảnh minh họa
 Năm 2024 sẽ không gián đoạn nguồn cung xăng dầu.Ảnh minh họa

Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 12,76 triệu tấn, tương đương khoảng 15,3 triệu m3/tấn. Đối với tiêu thụ, ước tiêu thụ 6 tháng cuối năm 2024 khoảng 13,2 triệu m3/tấn (bình quân khoảng gần 2,2 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bộ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và kế hoạch đăng ký theo từng quý.

Bộ đã đề nghị các thương nhân thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; chủ động sản xuất, nhập khẩu bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.

Theo đó, các thương nhân cần thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, mua xăng dầu của các nhà máy lọc dầu, dự trữ lưu thông… trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ để kịp thời có giải pháp xử lý.

“Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên" – Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

 

Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp. Cùng với đó, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố điều tiết, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn; đồng thời, tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên