Phát triển đô thị bền vững
Số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng về kết quả thực hiện Chương trình “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2016 – 2020”, TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như triển khai thí điểm xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, tổng diện tích 272,45ha, cung cấp thêm 22,5 triệu m2 sàn nhà ở. Tổng diện tích nhà ở phát triển mới từ 2016 đến nay đạt 25,3 triệu m2, đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra.
Cùng với đó, tập trung đầu tư chuẩn bị điều kiện để thành lập các quận mới, tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%; diện tích đất dành cho giao thông tăng, ước tính đến năm 2020 đạt 10,05% đất đô thị; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng được nâng lên, ước đạt 20,05%, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế Thủ đô.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, như: Một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra; chất lượng một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý dân cư, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông còn hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển đô thị chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và xử lý nước thải... chưa đạt kế hoạch.
“Cùng với đó, việc phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là vùng ven đô, hạ tầng phục vụ giao thông đô thị, kết nối liên vùng. Tiến độ triển khai các hạ tầng thiết yếu, như nhà máy xử lý nước thải, rác thải, công viên... còn chậm; Công tác quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ; quản lý đầu tư và sau đầu tư ở một số khu đô thị mới, khu nhà ở còn bất cập” – ông Võ Nguyên Phong nhìn nhận.
Nâng cao chất lượng đô thị hóa
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ trọng tâm của “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025” sẽ tập trung vào một mục tiêu cụ thể, gồm: Chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị tại các khu vực trung tâm. Cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị cũ, góp phần xây dựng cảnh quan xanh, văn minh, hiện đại cho đô thị Thủ đô; Xây dựng phát triển những khu vực mới của đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, bền vững đảm bảo hài hòa mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế Thủ đô;
Xây dựng hệ thống kết nối hạ tầng đô thị khung, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm tăng cường mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, liên kết vùng, tạo động lực phát triển trong vùng Thủ đô. Ưu tiên xây dựng không gian ngầm đô thị theo hướng tích hợp đa chức năng, đáp ứng tối đa yêu cầu phát triển kinh tế đô thị; Tăng cường thu hút mọi nguồn lực cho phát triển đô thị, phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Phát triển, quản lý thị trường bất động sản, dịch vụ đô thị phục vụ phát triển kinh tế đô thị.
Theo đó, những chỉ tiêu chủ yếu được đề ra, phấn đấu đến hết năm 2025: Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60 – 62%; Chỉ tiêu sàn xây dựng nhà ở hoàn thành khoảng 37 triệu m2, căn hộ nhà ở xã hội khoảng 10.000 căn, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân/người toàn TP đạt 27,2m2/người; Diện tích đất xanh đô thị từ 7,8 – 8,1m2/người; Tỷ lệ đất giao thông đô thị đạt từ 20 – 25%; Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, lựa chọn 5 khu và thực hiện thí điểm; Tại các khu đô thị mới phát triển, khu đô thị vệ tinh, tuyến đường cải tạo, xây dựng mới tỷ lệ hạ ngầm đạt 100%; Tỷ lệ vận hành hành khách công cộng đạt 30 – 35%.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, Chương trình 03 là chương trình quan trọng, kỳ vọng của Thành ủy, UBND TP về chương trình này là rất cao, để hoàn thành nhiệm vụ thì Chương trình 03 phải liên kết với chương trình 05 liên quan đến môi trường và Chương trình 02 về kinh tế. Công tác chỉnh trong đô thị cần phải tập trung nâng cao, chỉnh trang gắn với tái thiết, tái cấu trúc đô thị cũ đồng bộ với quy hoạch mới. “Thời gian tới vừa phải điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Hà Nội, nhưng phải thiết lập quy hoạch chung của TP theo quy hoạch mới và đồng thời cũng cần phải hoạch định được nội dung cơ bản của chương trình quy hoạch phát triển đô thị” – Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nhìn nhận.
Phát biểu kết luận buổi làm việc Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Chương trình 03 là chương trình lớn, quan trọng, nếu làm được sẽ mang lại kết quả tích cực ngay cho Thủ đô, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay đó là việc xây dựng đô thị và hạ tầng đô thị. Vì vậy, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Xây dựng với tư cách là cơ quan chủ trì, tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các sở, ngành hoàn thành nội dung để đảm bảo yêu cầu đề ra. Trong đó, tập trung vào một số nội dung:
Thứ nhất, đối với những tuyến việc cần phải làm ngay đó là quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, cần thực hiện phân công, phân nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc.
Thứ hai, sớm hoàn chỉnh đề cương, đánh giá chính xác các số liệu về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó đặc biệt chú ý đến những mục tiêu phải rà soát lại để chọn lựa phù hợp. Nên đưa ra làm 3 nhóm: Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, kinh tế đô thị
Thứ ba, để thực hiện được thì cần có nguồn lực, vì vậy phải gắn kết với các chương trình đầu tư công để quá trình thực hiện chương trình có hiệu quả
Thứ tư, Tổ công tác cần phải xây dựng được lộ trình cụ thể để triển khai.
“Thường trực Thành ủy đã thông nhất, chỉ đạo các Tổ công tác phải khẩn trương hoàn thiện nội dung chi tiết của tất cả 10 Chương trình trong quý I/2021” – Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.