Nam Cao - Nhà văn của câu chuyện nhân cách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy chỉ có 15 năm cầm bút nhưng ông đã kịp tạo nên một văn nghiệp sáng giá, với một loạt truyện ngắn và tiểu thuyết xuất sắc. Ngòi bút Nam Cao không đạt kỷ lục nào cả về số lượng, về độ dài hay độ dày. Cái mà ông đạt tới đỉnh cao là một chất lượng mới: Chất lượng ngôn ngữ nghệ thuật, chất lượng tư duy văn học và tư duy xã hội...

Kinhtedothi - Tuy chỉ có 15 năm cầm bút nhưng ông đã kịp tạo nên một văn nghiệp sáng giá, với một loạt truyện ngắn và tiểu thuyết xuất sắc. Ngòi bút Nam Cao không đạt kỷ lục nào cả về số lượng, về độ dài hay độ dày. Cái mà ông đạt tới đỉnh cao là một chất lượng mới: Chất lượng ngôn ngữ nghệ thuật, chất lượng tư duy văn học và tư duy xã hội...

 
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.
Tại Hội thảo, GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học khẳng định, Nam Cao là một trong những cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán những năm 30, 40 của thế kỷ XX. Thời gian đầu cầm bút, Nam Cao chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Dần dần nhận ra thứ văn chương đó xa lạ với đời sống lầm than của người lao động, ông đã đoạn tuyệt với nó và tìm đến cái gọi là hiện thực. Càng dấn thân, Nam Cao càng nhận thức sâu sắc hơn, nghệ thuật phải gắn bó với đời sống, nhìn thẳng vào sự thật “tàn nhẫn”, phải nói lên nỗi khốn khổ, cùng quẫn của Nhân dân và vì họ mà lên tiếng. Đó là điều mà Nam Cao suốt đời theo đuổi.
Nam Cao - Nhà văn của câu chuyện nhân cách - Ảnh 1

Chân dung nhà văn Nam Cao.
Còn PGS TS Lê Quang Hưng - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Nếu cần khái quát thật gọn tư tưởng nghệ thuật của Nam Cao, cái linh hồn và cũng là cái lớn lao toát lên từ toàn bộ sáng tác của ông, theo tôi, đó sẽ là: Nhà văn của câu chuyện nhân cách. Nam Cao đăm đăm soi xét nhân cách con người trong tương quan với môi trường sống, với hoàn cảnh xã hội. Ông đau đớn xót xa khi nhân cách con người bị lăng nhục, bị chà xát. Ông mừng vui phấn khởi khi con người bảo toàn được nhân cách trước sự xô đập của hoàn cảnh, sự đe dọa tha hóa bởi chính mình. Đó là Lão Hạc, Dì Hảo, anh đĩ Chuột trong “Nghèo”.

Để vẹn tròn nhân cách, con người cần được là mình, được tự nhiên sống với những sở thích, năng lực của mình và dâng hiến trí tuệ, tài năng cho đời. Đây là một vấn đề lớn trong câu chuyện nhân cách được Nam Cao đặt ra trong nhiều tác phẩm.

Hàng chục nhà phê bình, nghiên cứu, tác giả đã trình bày, gửi bài tham luận về cuộc đời, sự nghiệp, về tác phẩm của cố nhà văn tới hội thảo. Tất cả sẽ được Hội Nhà văn Việt Nam in trong cuốn kỷ yếu Hội thảo.