Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Thí điểm triển khai tại 5 quận, huyện
Báo cáo đánh giá kết quả bước đầu thực hiện các đề án thí điểm do Phó trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Trần Đình Cảnh trình bày cho thấy, sau 3 tháng triển khai thực hiện, 5 quận, huyện (Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm và Chương Mỹ) đã chủ động ban hành nghị quyết, kế hoạch và quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện. Việc triển khai thực hiện đề án thí điểm tại 5 quận, huyện được tiến hành từng bước, chặt chẽ, thận trọng theo kế hoạch. Làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nên đã tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Đại đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận ủng hộ việc bố trí kiêm nhiệm, nhất là những người hoạt động không chuyên trách thuộc diện sắp xếp, nghỉ công tác.
Bên cạnh đó, các quận, huyện uỷ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo nên đã lựa chọn, động viên được người có điều kiện và năng lực tham gia công tác. Việc bố trí kiêm nhiệm đúng theo các quy định của Đảng, Nhà nước. Tình hình cơ sở ổn định và không phát sinh phức tạp, đơn thư khiếu nại tố cáo. Ngoài ra, sau khi thực hiện sắp xếp, các chức danh không chuyên trách vẫn được bố trí đầy đủ và đều có người đảm nhiệm bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả. Số người hoạt động không chuyên trách và chi ngân sách Nhà nước cho lực lượng này giảm. Người được bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách có thu nhập tăng và có trách nhiệm hơn trong công việc được giao.
Tiếp đó, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ đã quán triệt, triển khai Đề án số 21-ĐA/TU. Theo đó, việc ban hành Đề án số 21-ĐA/TU nhằm thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019, của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND TP về số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…
Đối với phương án sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, Đề án 21 của Thành ủy nêu rõ, sắp xếp, bố trí tối đa 7 người hoạt động không chuyên trách/01 xã, phường, thị trấn để đảm nhiệm 10 chức danh theo hướng: Bố trí 2-3 người hoạt động không chuyên trách đảm nhiệm 2 chức danh không khuyến khích bố trí kiêm nhiệm, gồm Văn phòng Đảng ủy, Phó Chỉ huy quân sự. Bố trí 4-5 người hoạt động không chuyên trách và phân công một số cán bộ, công chức cấp xã để đảm nhiệm, kiêm nhiệm 8 chức danh không chuyên trách còn lại.
Đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, theo Đề án 21-ĐA/TU, phương án sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được thực hiện như sau: Sắp xếp, bố trí tối đa 2 người hoạt động không chuyên trách/01 thôn, tổ dân phố để đảm nhiệm, kiêm nhiệm 3 chức danh. Có thể bố trí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố hoặc kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận (đối với thôn, tổ dân phố loại 1, không khuyến khích kiêm nhiệm chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố). Như vậy, sau khi thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của HĐND TP và Đề án số 21-ĐA/TU của Thành ủy, tổng số người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn Thành phố sẽ giảm 33.583 người, kinh phí chi cho người hoạt động không chuyên trách giảm trên 263 tỷ đồng mỗi năm.
Theo đề án, tổng số người hoạt động không chuyên trách 55.300 người. Trong đó, số người hoạt động không chuyên trách cấp xã 10.422 người và cấp thôn, tổ dân phố 44.878 người. Số lượng chức danh là 25 (cấp xã 18 và cấp thôn, tổ dân phố 7). Tổng kinh phí mỗi năm chi cho hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố là hơn 728 tỷ đồng.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm hiện nay đã rất đầy đủ. Mục đích không chỉ nhằm tinh gọn, mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nhiệm vụ này Hà Nội đã làm trước một bước, nay nâng cao hơn nữa về chất lượng, hiệu quả. Thành ủy đã triển khai thận trọng, bài bản, có lộ trình; đã triển khai làm điểm tại 5 quận, huyện, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Nhấn mạnh quan điểm, yêu cầu trong triển khai Đề án 21, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý các quận, huyện, thị xã phải có cách làm bài bản, khoa học, từng bước và thận trọng; giữ ổn định tình hình, hạn chế xáo trộn, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, quá trình triển khai Đề án 21-ĐA/TU phải gắn với Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND của HĐND TP và các Đề án của UBND TP về kiện toàn thôn, tổ dân phố. Mặc dù thời gian triển khai ngắn, song Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý ngoài 5 đơn vị làm điểm, các quận, huyện, thị xã cần lựa chọn làm điểm để rút kinh nhiệm và nhân rộng; làm đến đâu chắc đến đó và dễ làm trước, khó làm sau.
Về nguyên tắc thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, khi tiến hành sắp xếp, kiêm nhiệm, phải căn cứ vào quy định của Đảng, phù hợp với điều lệ của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; một người kiêm nhiệm không quá 2 chức danh; việc sắp xếp, kiện toàn phải căn cứ vào đặc thù cơ sở, do vậy phải rà soát kỹ và nắm chắc tình hình, đặc biệt đối với việc kiện toàn các thôn, tổ dân phố, phải lưu ý đến các điều kiện tự nhiên, văn hóa, tôn giáo... Trường hợp vướng mắc phải báo cáo TP để xin ý kiến chỉ đạo.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các quận, huyện, thị xã nắm chắc 6 kinh nghiệm đã được đúc rút sau quá trình làm điểm tại 5 đơn vị. Đó là, phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, công tác tư tưởng, xác định rõ vai trò trách nhiệm người đứng đầu. Quá trình triển khai phải bài bản, khoa học, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và tiến độ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Rà soát kỹ, nắm chắc tình hình cơ sở, từ đó đưa ra các nguyên tắc chung, tiêu chí khung để thực hiện. Việc triển khai sắp xếp, kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách phải gắn với kiện toàn thôn, tổ dân phố. Cần có quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có giải pháp cần đồng bộ, toàn diện và phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, quan tâm đến chế độ, chính sách đối với đội ngũ dôi dư sau sắp xếp, kiêm nhiệm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ nặng nề, lại được triển khai trong thời gian ngắn nên sau hội nghị của TP, các quận, huyện, thị xã triển khai phổ biến, quán triệt đến đội ngũ cán bộ chủ chốt và đến từng thôn, tổ dân phố để thống nhất nhận thức và hành động. Thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn các xã, phường, thị trấn để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn phát sinh.