Nắm chắc quy định của pháp luật

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải ai kinh doanh loại hình dịch vụ này cũng hiểu rõ những quy định của pháp luật. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Vinh - Ủy viên Hiệp hội Khách sạn phố cổ Hà Nội.

 Lê Xuân Vinh - Ủy viên Hiệp hội khách sạn phố cổ Hà Nội.
Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của lĩnh vực kinh doanh lưu trú homestay thời gian gần đây?
- Thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 5 tháng đầu năm 2019 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam gần 7,3 triệu lượt, tăng gần 9% so với năm 2018. Việc khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều đã mang đến những cơ hội cho lĩnh vực kinh doanh sản phẩm lưu trú nói chung, trong đó có loại hình homestay.
Những năm gần đây, số lượng sản phẩm homestay tăng nhanh ở tất cả những tỉnh, TP có du lịch phát triển. Riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa bàn có số lượng sản phẩm homestay tăng chóng mặt trong khoảng 2 năm trở lại đây, với khoảng xấp xỉ 30.000 sản phẩm, tăng gấp khoảng 4 lần so với thời điểm cách đây 2 năm.
Hiện nay, có rất nhiều người kinh doanh homestay bị các cơ quan chức năng phạt tiền vì không tuân thủ quy định pháp luật. Theo ông, nguyên nhân xuất phát từ đâu?
- Thực tế vi phạm này xuất phát từ việc chưa hiểu hết các quy định của pháp luật, vì đa phần những người kinh doanh homestay là những cá nhân, các hộ gia đình. Hiện nay, pháp luật đã có những quy định tương đối rõ ràng và có chế tài phạt nặng đối với những vi phạm trong kinh doanh homestay, được áp theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm cả homestay nhưng nhiều người chưa thực sự để ý. Ví dụ, phạt tiền từ 5 - 15 triệu đồng khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng nếu không thực hiện yêu cầu về phòng cháy chữa cháy...
Ông có lời khuyên gì dành cho những người đang chuẩn bị tham gia kinh doanh homestay?
- Tôi là người kinh qua rất nhiều loại hình kinh doanh lưu trú nhỏ như khách sạn, airbnb và cả homestay. Kinh nghiệm tôi rút ra là phải có sự am hiểu, kinh doanh du lịch còn đòi hỏi việc nắm bắt tâm lý, sở thích của từng đối tượng khách hàng. Tiếp đến là nguồn vốn cũng hết sức quan trọng, dù kinh doanh nhỏ thì cũng cần nguồn vốn để ổn định trong thời gian đầu hoạt động, vì các hoạt động kinh doanh trong thời gian đầu thường là phải bù lỗ.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần