Nam Đàn vùng đất danh thắng của mọi thời

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với diện tích 29.500km2 tự nhiên, từ trên cao bằng mắt thường cũng nhận ra Nam Đàn “trùng lai danh thắng địa” (vùng danh thắng của mọi thời).

Chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn.
Phía Bắc dãy Đại Huệ (rú Nậy) cao 454m như quả chuông khổng lồ, đỉnh chuông là ngôi chùa Đại Tuệ; phía Tây Bắc dãy Hùng Sơn (rú Đụn) cao 300m, sách “Nghệ An ký” xếp vào “danh sơn mây khói tụ” với thành cổ Vạn An, đền thờ và khu mộ vua Mai Thúc Loan - anh hùng dân tộc nửa đầu thế kỷ thứ VIII đánh đuổi xâm lược nhà Đường. Tại động Lỗ Ngồi ở sườn rú Đụn sau lăng mộ của vua Mai, năm 2015 giới khảo cổ khai quật di tích nền, móng, trụ bằng đá, gạch bó nền của thời Tùy - Đường, Trung Quốc. Phía Tây Nam là dãy Thiên Nhẫn (còn gọi Thiên Nhãn - mắt trời). Ba dãy núi lớn ôm trọn thung lũng Nam Đường, cuối thế kỷ XIX triều Nguyễn kỵ húy đổi thành Nam Đàn. 
Trùng lai danh thắng Nam Đàn đồng ruộng ít núi đồi nhiều, lúp xúp như nong, nia, dần, sàng tạo hóa ban tặng lớp người Việt cổ đến khai ấp lập làng. Người là hoa của đất, Nam Đàn là nơi sinh ra nhiều tên tuổi lớn. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Nam Đàn có núi cao sông sâu nên xuất hiện nhiều người văn võ kiêm toàn”. Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) nhà “Nghệ học” viết: “Huyện Nam Đường vĩ nhân cũng nhiều, mà khí tập cũng thiên về mặt cương cường quả cảm”, nổi bật như Mai Thúc Loan (?-722), Phan Bội Châu (1867 - 1940), Hồ Chí Minh (1890 - 1969)... Giới nghiên cứu xã hội nhân văn trong ngoài nước đều quan tâm khám phá xứ Nghệ và danh thắng Nam Đàn luôn là nguồn cảm hứng vô tận để giới văn sĩ xưa nay tạo nên những tác phẩm nổi tiếng.

Gần 300 năm trước, Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744 - 1818) lên chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ tức cảnh thành thơ: Đá nhô xếp vòng tới đỉnh cao/ Đất trời vời vợi dạ nao nao/ Trời dăng rặng núi như xòe cánh/ Đất nắn dòng sông giống uốn câu/ Đường núi xuyên cây, sư khinh hổ/ Roi tre gánh cỏ, trẻ lùa trâu...

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) tạc núi Thiên Nhẫn bằng thơ để người đời ngưỡng mộ: Chiu chít liền những núi/ Trông như ngựa chạy vòng/ Miền Nam mờ ngọn núi/ Cõi Bắc uốn khúc sông/ Bóng chùa Thiên Nhẫn/ Suối vọt Lục Niên kề/ Tùng cúc nay còn đó/ Phong trần vẫn chưa về...

Học giả Hippolyte Le Breton, người Pháp viết: “Nghệ - Tĩnh trong tất cả mọi thời đại, từ cổ đại cho đến ngày nay... là một cái lò trí thức về truyền thống văn hoá...”. Đưa ra nhận định này, ông Hippolyte Le Breton có lẽ tham khảo nhiều sách của kẻ sỹ nước Nam dưới các triều viết về đất Nghệ, người Nghệ, đều ghi nhận xứ Nghệ là “rốn” khoa bảng của nước nhà, Nam Đàn là một trong những vùng đất học của xứ Nghệ.
Di tích Động Lỗ Ngồi núi Đụn.
Trên vùng quê bề dày lịch sử, cư dân Nam Đàn tạo dựng nhiều làng nghề nổi tiếng như làng mộc - nề Nam Hoa, rèn Quy Chính, nón Đông Liệt; các làng dệt Xuân Hồ, Xuân Liễu, Tâm Trang; các làng nồi đồng Bố Ân, Bố Đức; làng dầu bông dầu lạc Đan Nhiệm... Sự sáng tạo của người Nam Đàn về kiến trúc miếu, mão, đình, chùa… đã thành truyền ngôn truyền đời: Thứ nhất Nghi môn Tam Tanh/ Thứ nhì là cảnh Yên Quỳnh/ Thứ ba là đình Nam Hoa.

Đình làng Nam Hoa là một trong 4 ngôi đình làng nổi tiếng gồm Dương Liễu, Đông Sơn, Hoành Sơn, Trung Cần (đều ở hữu ngạn sông Lam), trong đó đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn) và đình Trung Cần (xã Nam Trung) là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia, cả hai đều bằng gỗ, được liệt vào bậc nhất trong số chùa chiền sót lại trên đất miền Trung. Dẫu bị thời gian tàn hủy, nghi môn đền vua Bà (xã Hùng Tiến) vẫn đặc sắc cả về quy mô kiến trúc và về giá trị nghệ thuật. Có từ thế kỷ thứ VII, Tháp Nhãn tại xã Hồng Long xây toàn bằng đất nung với kỹ thuật lắp ghép hết sức độc đáo, hiện đã thành phế tích.

Cách Làng Sen, xã Kim Liên, chừng một cây số mọc lên ngọn núi đất, gọi là núi Chung. Có thể nói từ hàng vạn năm trước đất trời tạc cho Nam Đàn một ngọn núi đất cao chưa đầy 50m, với 3 đỉnh tạo thành hình chữ Vương, quả là điều cực hiếm.

Giữa bạt ngàn lúp xúp núi đồi, núi Chung bằng đất như một nếp nhăn mềm mại trên vầng trán mênh mông cánh đồng lúa vàng, người đời càng về sau càng tâm phục khẩu phục sự gặp gỡ lạ kỳ giữa chữ Vương thiên tạo, với “dự báo như Thần” của Nguyễn Thiếp.

Nguyễn Thiếp thông kim bác cổ từng có mặt khắp đất Hồng Lam. Đến làng Sen, huyện Nam Đường, ông quan sát núi Chung không chỉ bằng mắt thường mà bằng cả tài năng tri thiên, tri địa: Chung sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vượng tử tôn.

Chưa rõ hai câu “thơ thần” của Nguyễn Thiếp làm năm nào, song những hiện tượng xuất hiện sau đó càng khẳng định khả năng tiên tri chính xác của Nguyễn Thiếp. Chẳng là khi bà Hoàng Thị Loan sinh bé Cung, Nguyễn Thiếp đã thiên thu 86 năm và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tác giả cũng đã 140 năm trên chốn nhàn du.

Trên núi Chung từng hiện hữu khá dày giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã đang đậm đặc trong tâm thức dân gian. Rõ ràng, khí thiêng sông núi Nam Đàn cộng hưởng tinh hoa văn hóa xứ Nghệ đã làm nên nguồn sữa nuôi dưỡng tâm hồn bé Cung, là chất liệu ban đầu hình thành cốt cách, đạo đức, tác phong của Nhà văn hóa Hồ Chí Minh sau này.

Năm 1956 khu Di tích Kim Liên thành lập, không gian núi Chung được xác định là trục chính của toàn bộ cảnh quan, nơi lưu giữ hơn 10 năm gắn bó tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Núi Chung linh thiêng là nơi tập trung người dân và bạn bè quốc tế vào những ngày lễ lớn của đất nước. Thiết nghĩ Bộ VHTT&DL cùng UBND tỉnh Nghệ An cần xác định vị trí các lăng tẩm đình đền miếu mạo từng hiện hữu trên núi Chung để giới thiệu với du khách.