Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nam Định: Lễ đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tục "xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông nhà” đêm giao thừa

Kinhtedothi - Ngày 6/4, UBND xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) long trọng tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tục “xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông nhà” đêm giao thừa và tổ chức lễ hội “Thái Bình Xướng Ca” làng Gạo xã Thành Lợi năm 2025.

Thành Lợi là xã thuộc miền hạ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, có nhiều làng cổ xuất hiện từ thời Vua Hùng dựng nước. Nơi đây có nền kinh tế nông nghiệp trù phú, được sông Hồng, sông Đào bồi đắp; có quốc lộ 10 và đường sắt Bắc - Nam chạy qua; có chợ Gạo - một trung tâm thương mại lớn của huyện Vụ Bản, có làng nghề truyền thống dệt vải đã đi vào ca dao, tục ngữ.

Các làng trong xã Thành Lợi xuất hiện khá sớm, nằm trong miền đất Thiên Bản văn hiến mang trong mình dòng chảy văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc và sắc thái văn hóa quê hương. Nơi đây còn chứa đựng kho tàng truyện cổ, ca dao, tục ngữ, dân ca phong phú; nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa như: đền Đông làng Gạo, đền chùa làng Bách Cốc, đền thờ tướng quân Tạ Sùng Hy làng An Nhân; di tích đền làng Mỹ Trung cũng đang được đề nghị xếp hạng.

Trong số các làng Việt cổ trên địa bàn xã Thành Lợi có làng Kẻ Gạo, tên chữ là Cảo Linh, sau đổi thành Quả Linh được hình thành từ thời Vua Hùng, gắn liền với sự tích 18 dòng họ về khai điền lập ấp. Trải qua năm tháng của lịch sử phát sinh và phát triển, nơi đây đã hình thành và hội tụ nhiều phong tục tập quán và những nét văn hóa dân gian đặc sắc, trong đó có tục "xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông gia đình" vào đêm giao thừa.

Trong cộng đồng làng xã, văn hóa làng được thể hiện rõ nét nhất, tập trung nhất thông qua các lễ tiết và lễ hội truyền thống phong phú đa dạng, bao gồm các mặt: tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật, thiêng liêng và đời thường. Nói đến văn hóa làng - làng Gạo, trước hết phải nói đến lễ Chạp Tổ và chạp Làng. Trong lễ Chạp Tổ và chạp Làng, cộng đồng sẽ lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn để mở cửa xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ trong đêm giao thừa đón năm mới.

Ngày 6/4, UBND xã Thành Lợi đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tục “xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông nhà” đêm giao thừa.

Việc chọn cử những người được xông là một việc rất hệ trọng. Theo tín ngưỡng, phẩm hạnh những người đó liên quan đến cả làng, cả họ trong năm mới. Người được chọn cử là một vinh dự lớn của cả cuộc đời, là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ. Vì vậy, người được chọn rất hồ hởi đón nhận, cùng gia đình dòng họ chuẩn bị rất chu đáo, công phu để hoàn thành nhiệm vụ được dân làng, được dòng họ giao cho. Tục xông đền, xông nhà thờ họ vào đêm giao thừa là nét độc đáo riêng biệt của văn hóa làng - làng Gạo.

Buổi chiều ngày 30 Tết, gia đình người được xông sắm sửa lễ đến đền, chùa, điện, nhà thờ họ kính cáo với Thành hoàng, tổ tiên xin được bao sái, trang hoàng và rước nhang án, nghi trượng về nhà để chuẩn bị cho buổi rước.

Tối 30 Tết, anh em, họ hàng, làng, xóm, bạn bè cùng nhau sang nhà người được mở cửa đền, cửa điện, nhà thờ họ uống nước, chúc mừng và cùng nhau chuẩn bị mọi việc cho lễ rước.

Hình ảnh tục xông đền xã Thành Lợi. Ảnh tư liệu

Đúng 21 giờ, sau một hồi trống lệnh của làng, gia đình người được xông bắt tay vào việc chuẩn bị lễ vật cho đêm giao thừa.

Khoảng 23 giờ, đám rước bắt đầu. Cả làng có tới 20 đoàn rước xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, kéo dài nối tiếp nhau trên trục đường làng. Đi đầu là đoàn rước xông đền; sau đó đến các đoàn rước xông điện, xông nhà thờ họ.

Trong khí đất trời hòa quyện, phảng phất mưa Xuân, mùi hương trầm hòa cùng âm thanh của chiêng, trống, tiếng nhạc lưu thủy, ánh sáng của đuốc, đèn màu, đèn trời, tạo nên cảnh sắc riêng hiếm có, trong lòng mỗi người đều bồi hồi, trang nghiêm, thiêng liêng và ấm cúng về những ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.

Giờ phút giao thừa sắp đến cũng là lúc các đoàn rước đến đền Đông, điện Đức Thánh Trần và nhà thờ dòng họ. Đúng thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tiếng trống điểm sang canh báo hiệu một năm mới bắt đầu, người xông tiến vào mở cửa với lời chúc dâng lên Thành hoàng, tổ tiên với ước nguyện một năm mới dân làng khỏe mạnh, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Tại đền Đông, người xông đền cùng đội tế nam quan thực hiện nghi lễ chúc Thánh, còn các từ đường dòng họ, người xông từ đường thực hiện các nghi lễ tế Tổ theo nghi thức truyền thống.

Chuẩn bị cho việc vào lễ trong đền. Ảnh tư liệu

Sau khi thực hiện các nghi lễ, người xông mừng tuổi những người tham gia đoàn rước để lấy may cho cả năm và cùng nhau ngồi thụ lộc, cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho bản thân và gia đình trong năm mới.

Khi thụ lộc xong, mọi người trở về xông nhà, thắp nén hương thơm trước bàn thờ gia tiên thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân công đức của tổ tiên. Các con cháu ngồi quây quần, cùng nhau chúc ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi; ông bà mừng tuổi các cháu chăm ngoan, học giỏi và nhiều điều tốt lành, an khang, thịnh vượng. Đó là giờ phút thiêng liêng nhất, ấm cúng nhất, hạnh phúc nhất của mỗi gia đình trong phút đầu, giờ đầu, ngày đầu năm mới.

Có thể nói, tục xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông gia đình là phong tục dân gian truyền thống có giá trị về lịch sử, nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân công đức của 18 cụ tổ có công khai nền lập ấp, vị Thành hoàng làng có công bảo vệ cho Nhân dân, gắn với nền nông nghiệp trồng lúa nước truyền thống.

Bên cạnh đó, tục lệ mang nhiều giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của Nhân dân địa phương đối với trời đất, Thành hoàng và tổ tiên. Đặc biệt, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trời - đất - con người giao hòa, cộng hưởng, chứa đựng những giá trị tâm linh sâu sắc, về niềm tin, khát vọng vào một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh, mọi điều tốt đẹp nhất đến với mọi người, đến với bản thân, gia đình vào năm mới. Đồng thời, qua các hoạt động lễ nghi còn thể hiện tính cộng đồng làng xã, tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách để bảo vệ và cùng nhau xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh; thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương, trong đó văn hóa gia đình hòa quyện với văn hóa dòng họ, văn hóa làng xã… tạo nên nét văn hóa đặc trưng riêng, đó là văn hóa làng - làng Gạo.

Chương trình văn nghệ tại buổi lễ.

Trải qua thời gian, với bao biến động của lịch sử, tục lệ vẫn được Nhân dân địa phương duy trì, bảo tồn và phát triển, trở thành nét đẹp văn hóa dân gian đặc trưng tiêu biểu của Nhân dân làng Gạo.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu, ngày 10/12/2024, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ban hành Quyết định số 3990/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng tục "xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông nhà” đêm giao thừa làng Gạo.

Cũng trong dịp này, UBND xã Thành Lợi đã tổ chức Lễ hội Thái Bình xướng ca năm Ất Tỵ 2025.

Hoạt động đua thuyền tải lương tại Lễ hội Thái Bình xướng ca.

Lễ hội Thái Bình xướng ca được tổ chức từ ngày 9 đến 11/3 âm lịch vào các năm Dần - Thân - Tỵ - Hợi. Trong lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ như: tế cáo, tế bán dạ, tế nam quan, nữ quan, tụng kinh; các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc, gắn liền không gian sông nước như đua thuyền tải lương, thi dệt vải, chơi cờ tướng trên hồ, hát trống quân, tổ tôm điếm, đấu vật, đánh đu, hát chèo…... trong đó tiêu biểu nhất là nghi lễ rước kiệu Thánh và nhang án 18 cụ tổ tập trung tại đám hát.

Lễ hội Thái Bình xướng ca - một lễ hội giàu giá trị lịch sử, văn hóa, được duy trì suốt hơn 700 năm qua cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khám phá hương vị độc đáo của ẩm thực Nam Định

Khám phá hương vị độc đáo của ẩm thực Nam Định

Nam Định đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP quý I/2025

Nam Định đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP quý I/2025

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Miền đất cuối trời Tổ quốc dâng hương Giỗ Tổ Vua Hùng

Miền đất cuối trời Tổ quốc dâng hương Giỗ Tổ Vua Hùng

07 Apr, 04:25 PM

Kinhtedothi - Cùng với người Việt hướng về cội nguồn dân tộc, ngày 7/4 (nhằm ngày mùng 10/3 Âm lịch), tỉnh Cà Mau đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Vua Hùng (ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). 

Trái tim Việt muôn phương cùng hướng về nguồn cội

Trái tim Việt muôn phương cùng hướng về nguồn cội

07 Apr, 06:13 AM

Tháng Ba âm lịch, trên dải đất hình chữ S và khắp năm châu bốn bể, triệu triệu người con đất Việt cùng hướng về một điểm hẹn linh thiêng: ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) – ngày nhắc nhớ ta về cội nguồn, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã thấm sâu vào máu thịt bao thế hệ.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ