Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nam giới chuẩn mực và sự sợ hãi sắc đẹp

TS. Phạm Văn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở Việt Nam thời trung đại, thái độ sợ hãi, răn ngừa đối với nữ sắc về cơ bản là sản phẩm của giáo dục Nho giáo, tuy nhiên, đó không phải là “đặc sản” của học thuyết này.

Phật giáo cũng hướng tới khuyên con người có thái độ đúng mực hoặc đề phòng đối với nữ sắc vì những lý do đạo đức và tôn giáo riêng của mình.
Quan niệm tiết dục 
Dưới triều Lý, thiền sư Nguyễn Trí Bảo (? - 1190) cho rằng: “Của cải của người ta, nếu mà mơ tưởng thì cuối cùng cũng không dừng ở đó, mà sẽ sinh lòng trộm cắp. Đến như vợ cả, vợ lẽ của người ta, nếu mà mơ tưởng thì cũng không dừng ở đó, mà sẽ sinh lòng tà dâm”.
Sang đến đời Trần, sự phòng giữ của người xuất gia đối với nữ sắc nói riêng cũng như đối với thân thể con người nói chung đã tiến xa hơn, có cái nhìn sắc lạnh, tàn nhẫn hơn trước sự hấp dẫn của thân thể con người (mà chủ yếu là người phụ nữ). Chính vì vậy nên Khóa hư lục của Trần Thái Tông đã đề cập đến chuyện “Gặp kẻ sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang. Đui mù chưa sinh, bản lai diện mục (...).
 Vẻ đẹp thiếu nữ Hà thành. Ảnh: Công Hùng
Nhà tăng điện Phật, trai gái gặp nhau, mắt trước mắt sau, mê hoang sắc dục. (...) Những tội như thế, vô lượng vô biên. Từ căn mắt sinh, đọa vào địa ngục”; “Hoặc ở nơi sạch, điện Phật nhà tăng. Cận sự gái trai, cùng nhau đùa cợt. Tung hoa ném quả, xéo cẳng vỗ vai. Khoét vách trèo tường, đều thành dâm nghiệp. (...) Muôn kiếp mới sinh, lại gặp tội báo”. Ở đây, vấn đề nằm trong giới hạn của quan niệm về tiết dục và vô dục giữa lằn ranh của đạo đức và tôn giáo, được hỗ trợ bởi thuyết nhân quả.
Tới triều Hậu Lê, việc răn sắc, giới sắc được tiến hành thường xuyên hơn và về cơ bản không còn mang màu sắc tôn giáo mà thuần túy được nhìn từ góc độ đạo đức Nho giáo. Trong lời Chiếu về việc làm bài Hậu tự huấn để răn bảo thái tử, Lê Thái Tổ thiết tha mong muốn người kế vị ngai vàng “Đừng thích của tiền mà luông tuồng xa xỉ; đừng gần thanh sắc mà bừa bãi hoang dâm”.
Nguyễn Trãi (1380 - 1442), đại diện của tầng lớp nho sĩ đương thời, khá tâm đắc với vấn đề răn sắc, giới sắc trong thơ ca của ông với quan niệm “Hiềm kẻ say chưng bề tửu sắc/Hòa người gìn được thói cha ông”, “Kim ngân ấy của người cùng muốn/ Tửu sắc là nơi nghiệp khá chừa”, thậm chí ông viết hẳn một bài để Răn sắc.
Cũng dưới thời Hậu Lê, Đàm Văn Lễ (1452 - 1505) Đề bức tranh chị em Triệu Phi Yến tựa nhau (Đề Triệu Phi Yến tỉ muội tương ỷ đồ) để phê phán “Nhà Hán đã mấy đời bồi đắp nền tảng cho vững chắc, Vì chạy theo “ấm mềm thơm” [ôn nhu hương] rút cục bị tiêu tan” (Hán gia kỉ tải bồi nguyên khí, Tận hướng ôn nhu hương lý tiêu).
Sách Trị bình bảo phạm (1511) do “vua lợn” Lê Tương Dực sai soạn cũng răn cấm: “Quan các nha môn trong ngoài phải nghiêm khắc sửa mình, kính cẩn siêng năng làm chức phận của mình, không được bừa bãi theo dục vọng riêng, say đắm tửu sắc, sai khiến bậy người dưới quyền, dắt mối gái điếm, nàng hầu, yêu sách cỗ bàn, liên miên chè chén, đến nỗi lười nhác bỏ cả việc công, làm hư hại tới phong hóa”.
Theo dòng lịch sử, dễ thấy dưới triều Mạc, vấn đề nữ sắc, giới sắc, răn sắc vẫn là câu chuyện thường trực của đạo đức xã hội và chính trị nhà nho. Theo Công dư tiệp kí Tục biên, “Bấy giờ họ Mạc hoang dâm, trễ biếng chính sự.
Ông [Nguyễn Thế Nghi] làm truyện Lạc Xương phân kính bằng Quốc âm để khuyên răn. (...) Lời lẽ rất khẩn thiết, tiếc thay vua Mạc không tỉnh ngộ”. Sang thế kỷ XVII, năm 1663, triều Lê Trung Hưng vẫn duy trì nếp cũ, ban ra các điều giáo hóa, khuyên răn “Chớ chìm đắm vào tửu sắc cờ bạc hoặc chơi bời dâm đãng làm thương hại đến phong hoá”.
Ở Đàng Trong, mạch răn sắc này cũng có chỗ đứng khá vững chãi và bị đẩy đến cực đoan: Năm 1648, “có người con hát quê ở Nghệ An là Thị Thừa, nhan sắc xinh đẹp, chúa [Nguyễn Phúc Tần] yêu lắm. Nhân xem sách Quốc ngữ thấy việc vua Ngô yêu Tây Thi (đến mất nước) chợt tỉnh ngộ, bèn sai Thị Thừa đem chiếc áo ngự đến cho [Nguyễn Phúc] Kiều, trong dải áo có giấu mật thư sai Kiều dìm chết Thị Thừa”... Truyền thống này vẫn được duy trì dưới triều Nguyễn như chuyện Nguyễn Trực Phương dám “cả gan” can Minh Mạng việc “lúc lên đàn, đem cung nữ theo hầu” là “lòng Thánh không thành” khiến Minh Mạng “không bằng lòng”.
Cho đến đầu thế kỷ XX, thơ văn Đông Kinh nghĩa thục vẫn nhấn mạnh việc răn sắc theo tinh thần Nho giáo (Sắc thì sắc mà không ham sắc, Đạo cương thường mới thực là hay (...). Anh em trông thấy đã đầy, Xin đem gươm sắc chém ngay khối tình). Xuất phát từ quan điểm đó, những năm 30 của thế kỉ XX, chứng kiến nam nữ nhảy đầm, nhà thơ Song Ngư ngoài bất bình vì nỗi “Cung đàn réo rắt quên nòi giống” còn phẫn nộ bởi cảnh “Cốc rượu say sưa đổi vợ chồng”, “Nhảy trai lưng sút, gái quần long” và miệt thị đó là “Bốn cẳng văn minh mới lạ lùng”.
Nét riêng của các nhà nho Việt Nam
Theo một quán tính, khi nêu cao các bài học đạo lý, nhà nho Việt Nam thường lấy dẫn chứng trong lịch sử Trung Hoa, tuy nhiên, với vấn đề răn sắc, giới sắc, nhà nho Việt Nam còn một kênh thể hiện quan điểm của mình đó là qua các bộ sử, qua các ghi chép và bình luận trên tinh thần Nho giáo. Với họ, “Sắc đẹp của đàn bà làm nghiêng nước người ta như thế rất nên lấy đó làm răn” (Lê Tung), đồng thời chê bai triều Lý “Cao Tông lấy hoang dâm làm thích; Huệ Tông lấy tửu sắc làm vui” (Lê Tung), chì chiết Lê Thái Tông “đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy tai họa...”.
Ngoài ra, việc sử dụng bản năng tính dục để hạ thấp uy tín của các đối thủ chính trị là một nhánh phái sinh từ quan niệm này. Cuối thế kỷ XVIII, khi nói về Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) và Tôn Sĩ Nghị, bài biểu cầu phong của vua Quang Trung gửi sang nhà Thanh (Trung Quốc) đã kể tội: “Duy Kỳ là người dâm bạo, các quan và nhân dân trong nước chạy đến nói với thần, xin ra quân trừ loạn”, “Tôn Sĩ Nghị là đại thần ở chốn bờ cõi, lại vì có của và sắc đẹp, đem tờ biểu của thần xé ra ném xuống đất lăng mạ làm nhục người sứ giả của thần, ý muốn động chúng dấy quân”.
Đến thời Nguyễn, một trong những “tội” khiến Hồng Bảo bị mất quyền kế tục ngai vàng của Thiệu Trị (theo ghi chép của sử gia, chưa kể có “thân” Tự Đức hay không) là “cứng cỏi nóng nảy, ham mê tửu sắc”.
Bên cạnh việc trừng giới, khuyên răn, nêu gương tốt xấu, việc giới sắc, răn sắc còn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các sáng tác và ghi chép mang màu sắc huyền sử trong đó nữ giới và nữ sắc, nhan sắc phụ nữ không chỉ là nguyên nhân gây sụp đổ triều đại, ảnh hưởng tới nhân cách nam giới mà còn có tác hại có thể nhận thấy bằng “trực quan sinh động”, tiêu biểu là việc coi phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đẹp là hiện thân của ma quỷ hoặc ma quỷ hiện hình dưới vỏ bọc là mĩ nữ như việc giải thích vụ án Lệ Chi Viên, coi Nguyễn Thị Lộ là rắn báo oán, để minh oan cho Nguyễn Trãi. Không dừng lại ở đó, sự răn ngừa còn được hỗ trợ bởi các câu chuyện mang ý nghĩa răn dạy, nhân quả.
Những truyện Dâm nghiệt trong Hát đông thư dị (1886) của Nguyễn Thượng Hiền, hay Thiện báo, ác báo, Phúc lạ, họa lạ, Nén lòng dục được đăng khoa... trong Bà tâm huyền kính lục (1897) của Trần Tân Gia... cũng mang màu sắc nhân quả như vậy. Những ghi chép mang tính răn đe bằng câu chuyện bệnh lý (như trong truyện Nôm Trinh thử) vẫn chưa đủ sức thắng thế hay chiếm tỷ lệ lớn so với những khuyên răn bằng đạo lý (thậm chí địa lý - như “trong nhà có kẻ dâm loạn (...) thì cho là tại đất mà cải táng” - Phan Kế Bính) một cách đơn thuần.
Thái độ đối với nữ sắc về cơ bản lấy nam giới làm trung tâm, coi phụ nữ là rào cản trên con đường hành đạo, tu tập, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của một xã hội nam quyền và là nhìn từ chỗ đứng của nam giới. Nó là sản phẩm bất toàn của một xã hội mà nam giới, đặc biệt là giới quý tộc, có quyền (và điều kiện) năm thê bảy thiếp nhưng vẫn luôn luôn đề cao và kêu gọi người khác tuân thủ lối sống thanh tâm, quả dục.
Chính vì vậy, việc thực hiện những “giới luật, thanh quy” ấy dường như không được tuân thủ một cách nghiêm túc, ngay cả với, hay đúng hơn, ngay từ những người đứng đầu bậc thang quyền lực của xã hội, mà “đầu têu” là các bậc quân vương.

Thái độ đối với nữ sắc về cơ bản lấy nam giới làm trung tâm, coi phụ nữ là rào cản trên con đường hành đạo, tu tập, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của một xã hội nam quyền, và là nhìn từ chỗ đứng của nam giới.