Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Chia sẻ Zalo

Top biến động giá trên hai sàn niêm yết tuần này chứng kiến nhiều cái tên quen thuộc, đặc biệt là những mã đã duy trì mạch tăng giá khá dài hơi như SPI của Công ty cổ phần Đá Spilit.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 27/5 cho thấy, mã ATA của Công ty cổ phần Ntaco chiếm vị trí đầu tiên trong top tăng giá trên sàn HoSE với tỷ lệ tăng 34%.

ATA đã có một tuần ngập tràn sắc tím với 5 phiên liên tiếp tăng kịch trần và qua đó có thêm tổng cộng 1.700 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là tuần thứ 2 ATA góp mặt trong nhóm tăng giá. Cách đây một tuần, mã này cũng có mức tăng hơn 19% và đứng thứ 4 trong top 5 của tuần.

Tuần qua, thông tin đáng chú ý liên quan tới ATA là đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của công ty vừa được tổ chức. Theo đó, thông tin bất ngờ được đại hội đưa ra là việc sẽ chi trả cổ tức 25% cho năm 2015 trong đó 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)
Đại hội cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh các năm tới với những chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế các năm 2016, 2017 và 2018 khá khả quan, lần lượt là 100 tỷ, 300 tỷ và 450 tỷ đồng.

Thông tin sau đại hội cũng cho biết, ATA sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 144 tỷ đồng bằng phương thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20% tương đương gần 2,4 triệu cổ phiếu phát hành thêm.

Trong đại hội, thành viên hội đồng quản trị là ông Nguyễn Tuấn Anh đã bị miễn nhiệm. Thay thế ông Nguyễn Tuấn Anh là ông Nguyễn Thanh Tùng. Đại hội cũng thông qua ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc công ty năm 2016.

Ở phía ngược lại, mất giá nhiều nhất sàn là mã VAF của Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển.

Mở đầu tuần bằng phiên tăng 500 đồng/cổ phiếu, VAF nỗ lực ngừng chân ở mức giá tham chiếu phiên sau đó rồi bất ngờ chúi đầu lùi sâu trong 3 phiên còn lại.

Kết quả kinh doanh vừa công bố của VAF cho thấy một chút "hụt hơi" so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của VAF được công bố quý 1 năm nay ở mức gần 397 tỷ đồng, thấp hơn so với ngưỡng gần 405 tỷ đồng của quý 1 năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế của VAF theo tính toán vào khoảng hơn 20 tỷ đồng. Năm ngoái, trong quý 1, mức lãi được đại diện công ty này công bố ở mức gần 22 tỷ đồng.

Trong tháng Năm, phía VAF cũng đã thông báo phương án trả cổ tức năm 2015 cho cổ đông. Theo kế hoạch, năm 2015, phía VAF sẽ chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 15% cho cổ đông. Công ty đã thực hiện chia 10% và 5% còn lại dự kiến thanh toán vào 15/6.

Bên sàn HNX, mã SIC của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển sông Đà chiếm vị trí số 1 nhóm tăng giá.

Báo cáo tài chính quý 1 của SIC cho thấy mức lợi nhuận sau thuế khá bất ngờ khi âm hơn 2,2 tỷ đồng.

Thực tế, doanh thu quý 1 của SIC không sụt giảm quá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt hơn 14 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp bán hàng và dịch vụ của SIC đạt hơn 6,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí tài chính trong đó đặc biệt là lãi vay phải trả ngốn tới 6,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 2,2 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế của SIC âm khá nặng.

Giải trình với cơ quan chức năng, đại diện SIC cho rằng, dự án SongDa River và dự án SongDa IDC Gò Vấp của công ty đang tạm ngưng thi công và hoàn thiện thủ tục pháp lý với cơ quan chức năng khiến lợi nhuận có biến động.

Một cổ phiếu đáng chú ý trong nhóm tăng giá là SPI của Công ty cổ phần Đá Spilit. Đây là cái tên đã xuất hiện 3 lần trong top tăng giá tháng này.

Báo cáo quý 1 năm nay của SPI cho thấy lợi nhuận sau thuế tăng đột biến, ở mức gần 7 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, con số được báo cáo chỉ là xấp xỉ 562 triệu đồng.

Lãnh đạo SPI đã có văn bản giải trình về sự chênh lệch trên với lý do "công ty hoàn lại chi phí trích lập dự phòng tài chính do doanh nghiệp đã bù được số lỗ luỹ kế phát sinh khi sáp nhập công ty."

Với top mất giá, mã TH1 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam là mã mất giá nhiều nhất sàn.

Một tuần giao dịch với 2 phiên đi ngang và 3 phiên lao dốc, TH1 đánh rơi tới 5.600 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ giảm gần 27%.

Báo cáo kinh doanh quý 1 năm nay của TH1 nhuốm màu tối. Doanh thu của TH1 sụt giảm thê thảm khi chỉ đạt hơn 72 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức 238 tỷ đồng quý 1 năm ngoái.

Trong khi doanh thu đạt thấp, chi phí tài chính trong quý bất ngờ lên tới hơn 37 tỷ đồng, vượt rất xa khoản chi phí 12 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế của công ty trong ngành bán buôn hàng tiêu dùng bởi vậy âm tới 15,6 tỷ đồng. Trong quý 1 năm 2015, TH1 vẫn giữ được mức lãi la trên 1,3 tỷ đồng./.