Nắm rõ luật để tránh rào cản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo những số liệu tại Lễ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ thương mại Việt- Mỹ d...

Kinhtedothi - Theo những số liệu tại Lễ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ thương mại Việt- Mỹ do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức sáng 11/2 (giờ Việt Nam), kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ hiện đã đạt gần 30 tỷ USD. Tăng trưởng thương mại giữa hai nước hằng năm đạt 20%. Tuy nhiên, tại thị trường Mỹ, do các quy định và yêu cầu về chất lượng hàng hóa ở mỗi bang và ở mỗi ngành rất khắt khe, nên luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) của Việt Nam nếu không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trần Nhân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ?

- Năm 2013, tổng kim ngạch XK của cả nước đạt 133 tỷ USD, riêng kim ngạch XK vào thị trường Mỹ đã chiếm 25 tỷ USD. Dự kiến năm 2014, kinh ngạch XK hàng hóa Việt Nam vào thị trường này sẽ đạt khoảng 27,5 tỷ USD.

 
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty May Chiến Thắng, Lai Xá, Hà Nội. Ảnh: Khánh Linh
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty May Chiến Thắng, Lai Xá, Hà Nội. Ảnh: Khánh Linh
Tuy nhiên, hàng hóa XK vào thị trường Mỹ thường gặp rất nhiều rào cản về thương mại. Hầu như năm nào, DN Việt Nam cũng phải đối diện với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp… Trong đó chủ yếu "rơi" vào các mặt hàng có kim ngạch XK cao, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng XK của Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc, da giày…

Vậy theo ông,  trong quá trình XK hàng hóa vào thị trường này, các doanh nghiệp cần lưu ý những điều gì?

- Mỹ là đất nước có nhiều luật lệ phức tạp. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là việc mà DN phải lưu tâm khi XK hàng hóa. Chẳng hạn luật hiện đại hóa về ATTP của Mỹ đã có khá lâu và hiện đã bổ sung thêm một số quy định mới như Quy định về thực hành sản xuất tốt, phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu sản xuất... Đây là điều DN phải hết sức quan tâm. Ngoài ra, các DN Việt Nam không nên tăng số lượng hàng XK một cách đột biến, bởi đây thường được coi là cơ sở để tiến hành điều tra chống bán phá giá. Bên cạnh đó, các DN phải thực hiện điều tiết giá chung, không nên cạnh tranh lẫn nhau bằng cách hạ giá để chiếm thị phần. Nếu làm như vậy rất dễ dẫn tới những vụ kiện chống trợ cấp giá từ phía đối tác nhập khẩu.

Để tránh được những rào cản thương mại, DN cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin, luật lệ về mọi vấn đề liên quan đến các rào cản thương mại, từ đó hạn chế thấp nhất việc bị khiếu kiện.

Mỹ là một trong số các nước đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc TPP được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa XK của Việt Nam vào thị trường này như thế nào?

- Các nước tham gia đàm phán TPP đang muốn áp dụng quy tắc các mặt hàng XK vào các nước TPP phải mua nguyên liệu từ các nước TPP, nhưng lại không đủ sức đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của mọi mặt hàng. Để giải quyết vấn đề này, Mỹ đề xuất sáng kiến "thiếu hụt nguồn cung", theo đó các bên định ra thiếu hụt nguồn cung thường xuyên và thiếu hụt nguồn cung tạm thời trong những khoảng thời gian nhất định cho các nước có mặt hàng phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước không tham gia TPP. Đề xuất này sẽ tạo cơ hội cho một số ngành hàng như dệt may, da giày có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường các nước tham gia TPP bởi chúng ta có nguồn nhập khẩu nguyên liệu khá rẻ.

Ngoài ra, khi mở cửa thị trường, Mỳ sẽ phải giảm thuế. Ví dụ như mặt hàng da giày của Mỹ, hiện chỉ còn 1 công ty với khoảng 1.200 công nhân, nhưng do vẫn muốn bảo hộ nên đánh thuế khá cao, có những mặt hàng đánh thuế lên đến 65%. Nếu như vào TPP, Mỹ buộc phải giảm thuế, thậm chí đề nghị đưa thuế suất bằng 0% và khi đó, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng kim ngạch XK mặt hàng này.

Để hỗ trợ các DN XK Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ, thời gian qua, bên cạnh việc cập nhật những chính sách mới liên quan đến hàng XK, đưa ra những kiến nghị tới các bộ, ngành, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ còn phối hợp chặt chẽ với các DN trong quá trình theo đuổi các vụ kiện về chống bán phá giá. Cụ thể trong năm 2013, khi phía Mỹ định áp thuế chống bán phá giá cũng như thuế chống trợ cấp cao lên mặt hàng tôm của Việt Nam, Thương vụ đã cùng DN phối hợp với luật sư và tư vấn nước ngoài để theo đuổi vụ kiện. Kết quả chúng ta đã thắng trong vụ kiện và đưa mức thuế  xuống  0%.

Xin cảm ơn ông!