Tại Hội nghị này, quận cũng đã khen thưởng 30 DN tiêu biểu, có đóng góp lớn trên địa bàn.
9 tháng, hơn 1.100 doanh nghiệp thành lập mới
Theo báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm, hiện toàn quận có gần 6.400 DN đang hoạt động. Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm, toàn quận có hơn 1.100 DN thành lập mới (tăng gần 300 DN so với cùng kỳ năm 2015), 17 HTX đang hoạt động, trên 8.000 hộ kinh doanh cá thể. Trong 9 tháng qua, quận cũng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCN ĐKKD) cho 772 hộ, cấp đổi cho 143 hộ, chấm dứt hoạt động 221 hộ kinh doanh.
Thời gian qua, quận Nam Từ Liêm đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, quận giải quyết tốt các thủ tục về thuế, cấp GCN ĐKKD; tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc GPMB, các dự án có đủ nguồn kinh phí thực hiện. Quận cũng thực hiện đầy đủ các chính sách giãn, giảm, gia hạn về thuế, tiền sử dụng đất; đẩy mạnh cải cách hành chính về thuế, 100% DN kê khai thuế qua mạng… UBND quận cũng đã thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban, ngành phối hợp, tập trung thực hiện các giải pháp, áp dụng các cơ chế chính sách nhằm giúp các DN từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều kiến nghị liên quan đến GPMB
Tại Hội nghị, nhiều vướng mắc trong công tác GPMB, xây dựng hạ tầng các khu đô thị… đã được các DN đưa ra. Tổng Giám đốc Công ty Tasco Hoàng Hà Phương cho biết, theo Luật Đất đai mới, công tác GPMB chuyển về Trung tâm Quỹ đất, trong khi nguồn lực của trung tâm này có hạn khiến việc GPMB cho DN mất nhiều thời gian hơn. “Trong điều kiện nguồn lực có hạn, các địa phương sẽ phải ưu tiên các dự án trọng điểm. Vì vậy, DN mong muốn được đồng hành cùng quận trong công tác GPMB để huy động tối đa các nguồn lực, rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án của DN” - ông Phương đề xuất.
Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải khen thưởng các DN tiêu biểu trên địa bàn. |
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư cũng kêu khó trong triển khai hạ tầng. Theo đại diện Công ty CP Tasco, quy hoạch tổng thể thực hiện nhiều dự án vẫn chưa đồng bộ: “Dự án Khu đô thị Xuân Phương, chúng tôi đã xây dựng các đường ống xả nước thải. Tuy nhiên, đường ống chính để đấu nối hạ tầng hiện không có nên DN chưa biết xử lý thế nào”. Giám đốc Công ty Nam Hải - cụm Công nghiệp Từ Liêm mong muốn, quận và các cấp chính quyền tạo điều kiện để mở lối vào cho DN: “Nếu không có lối vào, chúng tôi chỉ còn cách... bay”.
Ngoài ra, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm cũng mong muốn quận tạo điều kiện để có mặt bằng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch. Bà Phạm Thị Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân đề nghị tiếp tục được quận Nam Từ Liêm tạo điều kiện để mở chuỗi cửa hàng bán sản phẩm thực phẩm an toàn trên địa bàn.
Về công tác GPMB, ông Trương Quang Thiều - Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội thừa nhận, hiện vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác GPMB. Công tác này càng kéo dài, càng phức tạp. Hiện, theo quyết định của Chủ tịch UBND TP, Hội đồng GPMB có nhiều thành phần, bao gồm cả DN. Vì vậy, DN có thể cùng các cơ quan liên quan khác cùng tham gia GPMB. Thời gian tới, TP sẽ tổ chức các cuộc đối thoại riêng về công tác GPMB để lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN.
Khẳng định chính sách nhất quán của quận là luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN, lãnh đạo quận Nam Từ Liêm mong muốn các DN tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận Nguyễn Văn Hải cam kết tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, tạo đột phá trong cải cách hành chính để hỗ trợ DN tốt nhất khi đầu tư vào quận.
Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các chuỗi cửa hàng ATTP và sẽ có những ưu tiên nhất định cho các DN thực phẩm sạch trong việc tạo điều kiện để DN thuê mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Về vấn đề quy hoạch, xây dựng hạ tầng, quận sẽ tiếp tục tháo gỡ và có kiến nghị lên TP để có hướng giải quyết khó khăn cho DN.