Vẫn còn tình trạng “núp bóng” mua nhà?
Số liệu nghiên cứu thị trường từ Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), tính đến hết năm 2020 cả nước có 5.000 dự án nhà ở với 3.774.000 căn nhà. Trong đó, số lượng hồ sơ, hợp đồng mua bán nhà cho người nước ngoài của các chủ đầu tư khoảng trên 16.000 căn (giai đoạn 2015 – 2020) chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,85% (chưa đến 1%) tổng số nhà ở dự án nhà ở thương mại.
“Với tỷ lệ chưa đến 1% người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, không có chuyện người nước ngoài ồ ạt mua nhà như một số ý kiến lo ngại. Tại các thành phố lớn chỉ những dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà chung cư cao cấp... mới thu hút được người nước ngoài mua nhà, nhìn chung tỷ lệ người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đang ở mức rất thấp” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.
|
Cần phải thống nhất về quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà đất ở Việt Nam. |
Tuy nhiên, Luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội luật gia Việt Nam cho rằng, số liệu nghiên cứu thị trường của HoREA là căn cứ trên cơ sở những hợp đồng mua nhà của người nước ngoài ở Việt Nam đã giao dịch, thực tế có thể cao hơn nhiều. Lý giải về điều này, luật sư Hoàng Văn Đạo cho biết, do bị vây quanh bởi “rào cản” pháp lý. Theo quy định người nước ngoài chỉ được xác lập sở hữu nhà thông qua 3 hình thức: Mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư bằng hợp đồng mua bán; Mua nhà từ cá nhân, tổ chức nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận; nhận thừa kế, tặng/cho của cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức trong số lượng quy định trong địa bàn.
“Luật Đất đai quy định không cấp quyền sử đất cho cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài, khác với người Việt Nam khi mua nhà có đất sẽ được sở hữu vĩnh viễn. Người nước ngoài chỉ được sở hữu trong vòng 50 năm, hết thời gian gia hạn thêm hoặc phải bán/tặng nếu không sẽ mất nhà, vì vậy rất nhiều người lo ngại nên không trực tiếp đứng tên, nên xảy ra tình trạng nhờ người Việt Nam “núp bóng” mua nhà đất” – luật sư Hoàng Văn Đạo phân tích.
Cần nhất quán trong văn bản luật
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, phiên họp ngày 11/11 vừa qua, đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) tiếp tục đặt vấn đề về việc người Việt Nam hỗ trợ đứng tên mua,chuyển nhượng quyền sử dụng đất giúp cho người nước ngoài, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành, nhất là Bộ KH&ĐT làm rõ kế hoạch sử dụng đất đai trong phạm vi 10 năm tới.
“Vấn đề này chúng ta thấy, rõ ràng nó đã vi phạm Luật Đất đai khi không chính danh mua mà là mua giúp, mua thay. Đề nghị trong thời gian tới cần phải có nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đất đai... nếu vấn đề này kéo dài sẽ không đảm bảo cho quá trình phát triển, sử dụng đất đai của nước ta trong thời gian tới” – đại biểu Vũ Trọng Kim nói.
Theo báo cáo của Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, việc cho phép người nước ngoài mua nhà còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, sự thiếu nhất quán trong Luật Nhà ở 2014 và Luật Đất đai 2013 dẫn đến việc cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam không được xác định rõ có quyền sử dụng đối với diện tích đất được dùng để xây nhà ở đó hay không. Bên cạnh đó, quy định về thời hạn sở hữu, số lần gia hạn rất hình thức, việc này dẫn đến sự quan ngại của người nước ngoài khi quyết định mua nhà ở Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Đạo cho biết thêm, hành vi mua nhà đất trá hình của cá nhân, tổ chức nước ngoài ở Việt Nam không chỉ vi phạm quy định về Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, mà còn ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý quỹ đất của Nhà nước và lo ngại vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và tạo sự nhất quán về quy định trong các văn bản luật hiện nay.
"Dù Đảng, Nhà nước luôn có những chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Nhưng cần thiết phải nâng cao hiệu quả công tác quả lý Nhà nước về đất đai, nhà ở, thường xuyên thanh kiểm tra để phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm về đất đai, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, ổn định an ninh – chính trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội" - luật sư Hoàng Văn Đạo nhấn mạnh.
“Tại Singapore, Chính phủ nước này không cấm người nước ngoài mua, sở hữu nhà, nhưng lại quy định chặt chẽ về việc đánh thuế. Ví dụ, người dân Singapore mua nhà lần đầu được miễn thuế, người thường trú phải đóng 5%, người nước ngoài (gồm cá nhân, tổ chức) phải đóng 15%... Chính phủ siết chặt việc mua nhà đất, căn hộ chung cư cao cấp tư nhân, mỗi người nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 1 sản phẩm, riêng sở hữu nhà đất chỉ được áp dụng cho 1 số ít khu vực và bị hạn chế về diện tích. Việt Nam có thể nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm trên theo tình hình thực tế của thị trường” – Luật sư Trần Cao Ngãi, Hội luật gia Việt Nam. |
“Việc cá nhân, tổ chức nước ngoài “núp bóng” mua nhà đất ở Việt Nam là vấn đề rất lớn, hiện nay chưa có điều kiện để nắm rõ, chính xác tình hình thực tế ở mỗi địa phương ra sao. Với trách nhiệm của mình, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách quản lý đất đai, giải quyết tình trạng nhà đầu tư nước ngoài "núp bóng" dưới danh nghĩa doanh nghiệp, cá nhân của Việt Nam để thâu tóm, đang chiếm giữ, đặc biệt ở vùng ven biển hay vùng sát biên giới, những vùng hết sức nhạy cảm” – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. |