Nan giải xử lý môi trường làng nghề

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với quá trình đô thị hóa của Thủ đô, các làng nghề đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đó là quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Nhưng do sự hạn chế về cơ sở hạ tầng và công nghệ, đã nảy sinh ra vấn đề về ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất của các làng nghề.
Ý thức bảo vệ môi trường còn hạn chế

Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội cũng có gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu thống kê, đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề với 305 làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ.
 Ý thức bảo vệ môi trường tại làng nghề còn hạn chế (hình ảnh làng nghề giày da Giẽ Thượng). Ảnh: Doãn Thành
Làng nghề được phân loại theo 6 nhóm ngành nghề sản xuất chính: Thủ công mỹ nghệ (gốm, sứ, thủy tinh mỹ nghệ, chạm khắc, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ); chạm mạ vàng, bạc, thêu, ren; chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da; vật liệu xây dựng và khai thác đá, tái chế phế liệu; nghề khác (sản xuất nông cụ như cày bừa, đóng thuyền, làm quạt giấy...).

Nhiều ngành nghề đang phát triển mạnh như gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, khảm trai, sơn mài, mây tre, dát vàng bạc quỳ, đúc đồng, chế biến nông sản, cơ khí. Thời gian qua, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục trở lại và nhiều làng nghề mới ra đời, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết lao động dư thừa tại các địa phương thu hút một số lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định, đa số các làng nghề chỉ tập trung vào việc sản xuất kinh doanh, với đặc trưng là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, với công nghệ lạc hậu và thiết bị đơn giản, thủ công, hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế, việc đầu tư cho xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường như xử lý, giảm thiểu chất thải (lỏng, rắn và khí) từ các quá trình sản xuất rất ít được quan tâm; ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong các hộ gia đình còn rất hạn chế.

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, để các làng nghề phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người dân thì điều cốt lõi là phải kiểm soát được tốt độ phát triển phù hợp với khả năng xử lý tác động của quá trình sản xuất đến môi trường xung quanh.

Các yếu tố trên dẫn tới hệ quả là môi trường làng nghề (bao gồm cả môi trường đất, môi trường nước và không khí) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững của làng nghề.

“Vấn đề ô nhiễm làng nghề đã được nhiều ban ngành, địa phương đề cập. Tuy nhiên, các giải pháp hạn chế ô nhiễm vẫn còn nhiều hạn chế về cả cơ chế chính sách cho việc bảo vệ môi trường làng nghề, nguồn kinh phí cho việc duy trì, vận hành các công trình bảo vệ môi trường, số liệu phân tích và đánh giá ô nhiễm làng nghề chưa liên tục và đầy đủ” - ông Lê Tuấn Định nói.

Phân loại mức độ ô nhiễm

Thời gian gần đây, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án để đánh giá ô nhiễm làng nghề. UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 235/2015/KH-UBND về công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020; Phê duyệt nội dung của “Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP Hà Nội” tại Quyết định số 6136/2017/QĐ-UBND; Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện Thông tư 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT, nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội”...

Theo TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, kết quả thực hiện của các quyết định, kế hoạch trên sẽ là cơ sở để đánh giá thực trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội, lập nên những bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh đầu tiên về việc phân loại nhóm làng nghề theo mức độ ô nhiễm trên địa bàn TP. “Kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ định hướng cho các nhiệm vụ tiếp theo nhằm xác định được đối tượng cần tập trung giải quyết trong công tác bảo vệ môi trường, đầu tư hệ thống xử lý, cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề, xác định các điểm ô nhiễm quan trọng cần theo dõi, giám sát chặt chẽ” - TS Nguyễn Ngọc Sinh nói.q