Đó là nhận định được đúc kết ra qua đợt giám sát của Thường trực HĐND TP vừa qua. Nhưng qua đấy cũng cho thấy, chất lượng đại biểu vẫn là một điểm hạn chế cần phải khắc phục. Hiệu quả trong thực tế Theo nhận định của lãnh đạo HĐND các quận, huyện, hiệu lực thực hiện chức năng quyết định của HĐND trước hết phụ thuộc vào tính đúng đắn, hợp lý, khả thi của nghị quyết khi ban hành; hoạt động giám sát cũng phải hướng vào việc giải quyết kịp thời những vướng mắc; chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri nâng cao...
Để làm được điều đó, rất cần bộ máy tổ chức cũng như số lượng ĐB chuyên trách phải tăng cường. Tiêu biểu như quận Đống Đa hiện đã bố trí được 8/21 Chủ tịch HĐND phường chuyên trách, 18/21 phường có phó chủ tịch HĐND làm công tác chuyên trách. Tại Chương Mỹ, HĐND huyện cũng kiện toàn thành viên ban kinh tế - xã hội và ban pháp chế theo hướng cán bộ hoạt động chuyên trách tăng 3 đại biểu so với trước khi thực hiện Đề án 04. Như Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Hoàng Trọng Quyết đã khẳng định: Đội ngũ đại biểu HĐND chuyên trách được củng cố, tăng cường đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động HĐND của cả cấp quận và cấp phường. Phó Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ Đặng Ngọc Cầu cho biết: Hiện việc tổ chức các kỳ họp cũng được làm chặt chẽ hơn. Các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết đều có sự thẩm tra, giải trình đúng quy định. Việc chất vấn cũng chọn trúng trọng tâm, trọng điểm những bức xúc được nhiều cử tri quan tâm. Từ việc thực hiện Đề án này, việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND cũng được các địa phương cụ thể hóa, sát đời sống dân sinh. Thực tế tại nhiều cơ sở cho thấy, có những nơi, các năm trước, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của huyện chỉ đạt thấp, nhưng sau đó, qua 3, 4 kỳ họp, nội dung này liên tục được đưa ra chất vấn, thúc đẩy trách nhiệm. Hiện tỷ lệ này đã được nâng cao, đó chính là bài học cho việc chọn trúng vấn đề, chỉ đúng người, đúng việc. Vẫn còn tình trạng “nể nang” Tuy nhiên, điểm hạn chế được hầu hết các quận, huyện nhắc tới chính là tình trạng đại biểu vẫn ngại va chạm, nể nang, né tránh, chưa thẳng thắn đưa ra chính kiến để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri. Việc giám sát nhiều khi cũng vẫn dừng ở việc "xem cho biết, chỉ ra vấn đề rồi để đó", dẫn đến không hiệu quả. Không ít lãnh đạo HĐND các quận, huyện đã thẳng thắn cho biết: Trong các kỳ họp, rất hiếm đại biểu đứng lên đặt câu hỏi chất vấn, bởi đại biểu nhiều khi lại chính là cán bộ các phòng, ban chuyên môn, rất "khó" để chất vấn chính lãnh đạo của mình, chưa kể đến việc chính đại biểu cũng là người tham gia quản lý, thực thi phần công việc ấy. Cùng với đó, nhiều tờ trình, nội dung nghị quyết là vấn đề chuyên ngành như ngân sách, tài chính, nhưng số lượng đại biểu chuyên môn ít, nên như Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt nhận xét: Mặc dù đã phối hợp rất tốt với UBND trong việc điều hành ngân sách địa phương nhưng thực tế ở các quận, huyện không ít nơi chủ yếu quyết định theo tờ trình của UBND. Trong công tác giám sát quyết toán cũng có tâm lý "việc đã rồi", ít địa phương quan tâm đến việc rút kinh nghiệm cho công tác thực hiện dự toán ngân sách các năm tiếp theo. Rồi cũng chính vì phần lớn đại biểu HĐND là kiêm nhiệm, hạn chế trong nắm thông tin, nên khi thảo luận thường "cơ bản đồng tình nhất trí cao", việc tranh luận lại rất hạn chế. "Thường trực HĐND TP nên quan tâm tới việc tập huấn, nâng cao năng lực trình độ cho đại biểu", đó là một yêu cầu được nhiều cơ sở đưa ra trong việc thực hiện Đề án 04. Bởi để nâng cao năng lực hoạt động của HĐND các cấp, trước tiên cần thay đổi chính từ cách nhìn nhận của đại biểu. Các vị đại biểu dân cử không chỉ am hiểu, có bản lĩnh mà cần dám hỏi và khắc phục được tâm lý nể nang, ngại va chạm mới khẳng định được vai trò của đại biểu và chính cơ quan dân cư là HĐND.
Cử tri quận Ba Đình phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND ngày 11/12. Ảnh: Phạm Hùng |