70 năm giải phóng Thủ đô

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính tại huyện Phúc Thọ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) được huyện Phúc Thọ xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt từ cấp huyện đến cơ sở. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hiệu quả thực thi công vụ và sự hài lòng của người dân.

5 thủ tục hành chính “không chờ”

Xác định CCHC là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo các phòng ban, 21 xã, thị trấn tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC trên cơ sở bám sát chỉ đạo của TP Hà Nội.

UBND huyện đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác CCHC thông qua các hội nghị tập huấn, hệ thống đài truyền thanh từ huyện xuống xã, qua phát tờ rơi, những cuộc sinh hoạt cộng đồng; đặc biệt là hội nghị đối thoại trực tiếp 2 lần/năm về CCHC với người dân… 

Huyện Phúc Thọ triển khai thực hiện hiệu quả mô hình 5 thủ tục hành chính "không chờ, không giấy hẹn".
Huyện Phúc Thọ triển khai thực hiện hiệu quả mô hình 5 thủ tục hành chính "không chờ, không giấy hẹn".

Trưởng phòng Nội vụ huyện Phúc Thọ Vương Tá Hùng cho biết, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm phục vụ, huyện chỉ đạo tổ chức khảo sát đo lường sự hài lòng của các tầng lớp xã hội, tổ chức kinh tế đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn huyện bằng hình thức trực tuyến (quét mã QR qua các ứng dụng Zalo, camera). 

 

Năm 2023, huyện Phúc Thọ đã xây dựng và áp dụng 1 sáng kiến trong công tác CCHC về “Điện tử hóa hoạt động tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của huyện”. Mô hình này góp phần hiện đại hóa hoạt động của Bộ phận Một cửa, giúp người dân dễ kiểm tra, tra cứu thông tin cần thiết.

“Đây cũng là giải pháp nhằm đánh giá trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân, từ đó có giải pháp nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…” - ông Vương Tá Hùng cho biết thêm.

Một số đơn vị ứng dụng sáng tạo công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính như sử dụng ứng dụng Zalo để tích hợp một số thủ tục hành chính; khi công dân đến chỉ cần quyét mã QR là đã tra cứu được ngay quy trình giải quyết thủ tục hành chính cần thực hiện, thay vì phải hỏi hay tra cứu bằng bản giấy trên bảng treo tường.

Đặc biệt, năm 2023 ghi dấu ấn với việc 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã triển khai thực hiện hiệu quả 5 thủ tục hành chính “không chờ, không giấy hẹn” gồm: chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao, cấp bản sao trích lục hộ tịch, đăng ký kết hôn và đăng ký khai tử. Đây được xem là bước đột phá mới trong cải cách thủ tục hành chính, giúp rút ngắn thời gian giải quyết, công sức đi lại và được nhân dân đồng tình, ủng hộ cũng như đánh giá rất cao. 

Đánh giá cán bộ thông qua cải cách hành chính

Giống như những năm trước, năm 2023, công tác CCHC tiếp tục là nhiệm vụ được UBND huyện Phúc Thọ quan tâm đặc biệt. Từ tháng 1/2023, huyện đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về công tác CCHC, với mục tiêu là cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước (SIPAS). 

 

Năm 2023, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc huyện Phúc Thọ đảm bảo thông suốt, hiệu quả. Tính đến thời điểm hiện tại, UBND huyện đã thực hiện 20/21 nhiệm vụ về CCHC, còn 1 nhiệm vụ ước hoàn thành trong tháng 11/2023.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ CCHC, UBND huyện đề cao vai trò kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Trong năm 2023, UBND huyện đã tiến hành kiểm tra công vụ đối với 8 xã, thị trấn và 12 phòng, ban; kiểm tra việc thực hiện CCHC tại 21/21 xã, thị trấn và 14 phòng, ban trực thuộc huyện. Qua công tác kiểm tra, đã kịp thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác CCHC. 

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn đối thoại với người dân về công tác cải cách hành chính.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn đối thoại với người dân về công tác cải cách hành chính.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, công tác CCHC năm 2023 của huyện đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị, cũng như nhận thức, hành động và hiệu quả phục vụ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong năm 2024, huyện sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác CCHC theo hướng dẫn của TP Hà Nội, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch công tác về CCHC, trong đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Huyện cũng sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra công vụ và công tác CCHC, kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị cũng như 21 xã, thị trấn nhằm đánh giá thực trạng, từ đó đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác CCHC. Tổ chức sắp xếp lại đội ngũ công chức chuyên môn ở các xã, thị trấn, đảm bảo mỗi đơn vị có 1 cán bộ, công chức tham mưu tốt nhiệm vụ CCHC tại cơ sở. Đồng thời, gắn CCHC với việc đánh giá cán bộ, công chức hàng tháng, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.