Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết: Đan Phượng có nhiều thuận lợi và tiềm năng cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, huyện chưa có những sản phẩm du lịch tiêu biểu được xây dựng trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch. Các sản phẩm du lịch chưa hình thành để được thống kê và xác định nguồn thu rõ rệt, chỉ mới sơ khai bước đầu.
Để phát huy tiềm năng về lịch sử văn hóa, huyện định hướng tạo dựng các sản phẩm du lịch mũi nhọn vào khai thác phát triển 4 loại hình du lịch. Trong đó, du lịch văn hóa là thế mạnh và là sản phẩm du lịch đặc trưng của Đan Phượng, tập trung vào tham quan các di tích lịch sử văn hoá; tham quan làng nghề; du lịch lễ hội; du lịch cộng đồng.
Du lịch sinh thái cuối tuần, du khách có thể tham quan tìm hiểu các giá trị cảnh quan, sinh thái, nghỉ cuối tuần tại khu vực ven sông Đáy, ven đê sông Hồng.
Du lịch vui chơi giải trí tập trung theo hướng hình thành các khu vui chơi giải trí tham quan, thể thao, thưởng thức nghệ thuật trung tâm huyện.
Du lịch mua sắm, ẩm thực phát triển tại các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại; các điểm du lịch làng nghề ẩm thực truyền thống (nem phùng, giò chả Tân Hội, rượt, đậu phụ Hạ Mỗ, Hồng Hà).
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn thấp, tính đồng bộ chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Các loại hình dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi còn thiếu, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng mang thương hiệu riêng; hệ thống dịch vụ du lịch tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch.
Các sản phẩm du lịch của huyện chưa hình thành rõ rệt, chưa thực sự phong phú và hấp dẫn, chủ yếu gồm du lịch văn hóa với cụm di tích: Đền thờ danh nhân Tô Hiến Thành, chùa Hải Giác, Miếu Hàm Rồng; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Tượng đài Phong trào phụ nữ ba đảm đang), du lịch ẩm thực (nem Phùng, giò chả Tân Hội), du lịch sinh thái nghỉ cuối tuần (ven sông Đáy thuộc Đồng Tháp, Phương Đình).
Chưa có chiến lược tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về các di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch trên địa bàn. Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch - dịch vụ chưa đồng bộ, công tác xã hội hóa phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn còn khó khăn. Nguồn vốn đầu tư riêng cho phát triển du lịch để khả dĩ hình thành các khu du lịch, điểm du lịch chưa được quan tâm.
Đoàn khảo sát làm việc tại Vườn ươm hoa Lan (nơi ông Kim Jong Un đến thăm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều cuối tháng 2/2019) |
Để Đan Phượng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách, các đại biểu cho rằng, huyện cần có các giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch như: Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ gồm khu mua sắm, vui chơi giải trí; xây dựng bài thuyết minh chuẩn; bổ sung các biển, bảng biển chỉ dẫn, giới thiệu về các khu, điểm du lịch;…
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với chính quyền huyện Đan Phượng thống nhất nội dung để phát triển du lịch huyện trong thời gian tới, đầu tiên sẽ là đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cán bộ địa phương và các hộ dân làng nghề, người làm du lịch; xây dựng chuẩn hóa thuyết minh về các điểm đến du lịch; lắp đặt thêm bảng biển chỉ dẫn.
Cũng theo ông Trần Đức Hải, hiện nay,100% du khách biết về các điểm đến thông qua tìm kiếm trên internet. Do đó, Sở Du lịch Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ Đan Phượng trong việc phổ biến thông tin thông qua trang web có lượng truy cập lên tới hàng nghìn lượt mỗi ngày. Do đó, huyện sớm chuẩn hóa và số hóa các dữ liệu gửi cho Sở Du lịch nhằm thuận lợi cho việc tra cứu thông tin của người dân nói chung và khách du lịch nói riêng.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề nghị huyện Đan Phượng sớm phối hợp với Sở điều tra, rà soát tất cả hệ thống tài nguyên, sản phẩm, tiềm năng phục vụ du lịch; Xác định những điểm đến giàu tiềm năng để xây dựng, tổ chức thực hiện để phát huy hiệu quả, từ đó nhân rộng mô hình. Đề nghị huyện làm hồ sơ thẩm định để trình UBND TP công nhận điểm đến du lịch đạt chuẩn.
Ông Trần Đức Hải đề nghị các DN lữ hành đưa những điểm đến nổi bật của huyện Đan Phương vào hành trình tour, tuyến. Đề nghị huyện, các DN trên địa bàn, các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các điểm đến tới người dân và du khách trong nước cũng như quốc tế. Nội dung thông tin cần chuyển tải tổng thể, đi sâu vào các giá trị, kết hợp với các hoạt động một cách thường xuyên, liên tục.
Trong chương trình, Đoàn đã khảo sát Đền Văn Hiến, chùa Hải Giác – Hạ Mỗ, vườn ươm hoa Lan (nơi Đoàn Triều Tiên tới thăm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều cuối tháng 2/2019), khu sinh thái Phoenix Garden.
Để phát huy tiềm năng hiện có, thời gian tới, huyện Đan Phượng sẽ tập trung triển khai Đề án phát triển Du lịch huyện Đan Phượng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch, phát triển Du lịch Đan Phượng thực sự chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; đưa Đan Phượng trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô và cả nước. Tập trung ưu tiên phát triển 2 khu du lịch: khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven sông Đáy và khu du lịch phức hợp sinh thái-vui chơi giải trí bãi giữa sông Hồng; 3 điểm du lịch: điểm du lịch lịch sử văn hóa Trung tâm huyện, điểm du lịch lịch sử văn hóa Hạ Mỗ và điểm du lịch lịch sử văn hóa lễ hội Tân Hội. |