Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng vùng dân tộc thiểu số

Hoa Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1716/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.

Nâng cao hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Nâng cao hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Tạo chuyển biến trong tổ chức các chương trình và hoạt động giáo dục

Mục tiêu của Chương trình nhằm tạo chuyển biến trong việc tổ chức các chương trình và hoạt động giáo dục của trung tâm học tập cộng đồng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đảm bảo đến năm 2030, người chưa biết chữ được theo học các lớp xóa mù chữ có chất lượng; người lớn tuổi, người lao động có cơ hội theo học chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học, cập nhật kiến thức kỹ năng chuyển giao công nghệ một cách thiết thực, hiệu quả; góp phần vào nâng cao dân trí, tìm việc làm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, xây dựng xã hội học tập.

Chương trình phấn đấu 100% trung tâm học tập cộng đồng được bổ sung nhân lực để tổ chức hoạt động; 100% trung tâm có địa điểm làm việc hoặc văn phòng điều hành riêng, có máy tính kết nối internet; 90% trung tâm có tủ sách/thư viện cộng đồng, có kết nối intrernet/wifi miễn phí để hỗ trợ người dân học tập.

100% cán bộ quản lý, giáo viên, báo cáo viên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động tại trung tâm; 70% giáo viên, báo cáo viên được tập huấn nâng cao năng lực phát triển học liệu số; 70% tình nguyện viên tham gia hỗ trợ hoạt động của trung tâm được tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn phát triển giáo dục cộng đồng.

100% trung tâm sử dụng tài liệu được biên soạn theo Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; hằng năm huy động ít nhất 10,5% số người trong độ tuổi từ 15 - 60 chưa biết chữ học Chương trình Xóa mù chữ giai đoạn 1 và 2% số người trong độ tuổi từ 15 - 60 học Chương trình Xóa mù chữ giai đoạn 2 khi đã hoàn thành xóa mù chữ giai đoạn 1; hằng năm huy động tối thiểu 5% tỉ lệ gia tăng số lượt người trong độ tuổi từ 15 - 60 học Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học tại trung tâm.

Ít nhất 90% trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, tổ chức hoạt động giáo dục, đạt mức độ cơ bản trở lên. 100% trung tâm được bổ sung, cập nhật, dữ liệu vào cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục. Ít nhất 80% trung tâm hoặc cơ sở giáo dục được giao thực hiện Chương trình Xóa mù chữ sử dụng tài liệu xóa mù chữ điện tử và các bài giảng điện tử để học viên lớp xóa mù chữ có thể học mọi nơi, mọi lúc.

Chương trình đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như: Truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trung tâm học tập cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với trung tâm học tập cộng đồng; nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện các chương trình giáo dục tại trung tâm học tập cộng đồng; huy động nguồn lực cho trung tâm học tập cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động tại trung tâm học tập cộng đồng; xây dựng trung tâm học tập cộng đồng điển hình.

Mở rộng loại hình trung tâm tư thục

Trong đó, Chương trình triển khai xây dựng khung năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và bộ tiêu chí đánh giá trung tâm theo định hướng xây dựng nông thôn mới và xây dựng xã hội học tập.

Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng theo hướng mở rộng loại hình trung tâm tư thục để tạo môi trường chia sẻ, hỗ trợ học tập giữa các vùng thuận lợi và khó khăn.

Triển khai bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giám đốc trung tâm theo Khung năng lực quản lý hoạt động trung tâm học tập cộng đồng; tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học người lớn/giáo dục cộng đồng, phương pháp dạy xóa mù chữ gắn với lao động sản xuất và phát triển kinh tế cho giáo viên, báo cáo viên, già làng, trưởng bản, công an, bộ đội biên phòng.

Xây dựng mô hình "Tổ liên gia xóa mù chữ"

Chương trình xây dựng mô hình "Tổ liên gia xóa mù chữ" hướng dẫn, dạy học xóa mù chữ tại nhà dân tại các cụm dân cư, các vùng thưa dân cư. Xây dựng cơ chế hỗ trợ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu giáo chức tại địa phương, những người tự nguyện tham gia hướng dẫn hỗ trợ dạy học xóa mù chữ tại khu vực người học sinh sống.

Khuyến khích mỗi cơ sở giáo dục đại học kết nối với ít nhất một trung tâm học tập cộng đồng để hỗ trợ hoạt động, giới thiệu sinh viên tình nguyện, cung cấp nguồn học liệu, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và những người tình nguyện tham gia hoạt động tại trung tâm.

Chương trình lựa chọn và chỉ đạo thí điểm tại 3 miền một số trung tâm khu vực biên giới, trong đó chú trọng phối hợp với đồn biên phòng địa phương trong việc huy động người học tại các trung tâm học tập cộng đồng.

Các địa phương lựa chọn, chỉ đạo điểm ít nhất một trung tâm để đầu tư, huy động nguồn lực phù hợp với vùng miền, làm cơ sở nhân rộng điển hình, lan tỏa, để học tập cách hay, làm sáng tạo và hiệu quả.