Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng hàng đầu và cũng là đầu mối giao thông trung tâm của khu vực miền Bắc. Bởi vậy, giao thông có ý nghĩa, vai trò quan trọng mang tầm chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, để phát triển giao thông Thủ đô một cách đồng bộ đảm bảo giao thông hiệu quả, hiện đại, thuận tiện thì vấn đề quy hoạch giao thông phải đặc biệt chú trọng.
Cần có chiến lược lâu dài Quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra rất nhanh ở khắp mọi miền trong cả nước và bộ mặt các đô thị theo đó cũng thay đổi rõ rệt. Cùng với quá trình đô thị hóa, một số lượng lớn dân cư đang chuyền từ các vùng nông thôn đến các đô thị lớn tạo ra nhiều áp lực cho các đô thị trong tác động rõ nhất là giao thông. Những thập kỷ trước, do lượng dân cư ở các đô thị còn ít, phương tiện giao thông chưa nhiều thì vấn đề quy hoạch, tổ chức, quản lý, khai thác và vận hành giao thông chưa được chú trọng. Nhưng ngày nay, các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hàng loạt vấn đề như ùn tắc, ô nhiễm môi trường do khói bụi của các phương tiện hay TNGT đã trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Chính phủ cũng như chính quyền các TP đã đề ra nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề trên. Nhưng các giải pháp đưa ra chưa có tầm nhìn chiến lược lâu dài để đảm bảo một sự phát triển đồng bộ và bền vững. Để "trái tim cả nước" có một diện mạo giao thông đô thị xứng tầm, Quy hoạch phát triển giao thông từ nay đến 2030, tầm nhìn 2050 cần tập trung hoàn thiện lại kết cấu hạ tầng giao thông, các hệ thống cầu, tuyến đường vành đai, tuyến đường xuyên tâm. Theo đó, Hà Nội với đầu mối giao thông của 5 tuyến đường sắt, 7 tuyến quốc lộ hướng tâm vào Thủ đô. Sân bay Quốc tế Nội bài, từ TP Hà Nội có các tuyến bay tới hơn 40 điểm đến quốc tế. Hà Nội đã xây dựng các tuyến đường lớn nối liền với 2 cảng biển quốc tế Hải Phòng và Cái Lân (Quảng Ninh); Tăng cường đầu tư vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) cho Thủ đô, vừa phục vụ người dân Hà Nội, vừa phục vụ người dân các tỉnh bạn để đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa để phát triển kinh tế - xã hội. Theo kế hoạch, VTHKCC sẽ vận chuyển được khoảng 26% nhu cầu đi lại vào năm 2020 và 43% đến năm 2030. Một vấn đề quan trọng nữa, là phải xây dựng bằng được văn hóa giao thông… Tạo liên kết giữa các vùng Chiến lược phát triển xuyên suốt của Thủ đô trong những năm tới là phát triển giao thông tạo liên kết giữa Hà Nội với các vùng lân cận, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các trung tâm thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, để đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo nên một diện mạo mới, giao thông Thủ đô cần có một lượng kinh phí rất lớn cùng với sức mạnh tổng hợp của mọi nguồn lực xã hội. Nguồn vốn ngân sách từ T.Ư và TP hiện mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, nên các nguồn khác cần được khuyến khích. Trong đó, cần tranh thủ các nguồn vốn ODA, vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế, vốn đầu tư theo chương trình của các nước… để hỗ trợ xây dựng các tuyến đường giao thông, phương tiện giao thông. Minh chứng là các dự án công trình giao thông TP đã và đang thực hiện theo hình thức đầu tư kết hợp công tư PPP, BOT, BT… hầu hết đều mang lại hiệu quả thiết thực. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, để quy hoạch giao thông phát huy hiệu quả, thứ nhất, cần phải thực hiện một số giải pháp như TP cần xây dựng quy hoạch phát triển giao thông và cụ thể hóa thành kế hoạch 5 năm, hàng năm và xác định và cắm mốc chỉ giới, giành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông sau này. Đầu tư xây dựng các đoạn tuyến giao thông quan trọng gồm các đường cao tốc các tuyến đường sắt đô thị. Thứ hai, khuyến khách các thành phần kinh tế nhằm huy động tối đa lực vào đầu tư phát triển giao thông. Đẩy mạnh việc huy động vốn từ khai thác quỹ đất dọc các công trình giao thông, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư. Phát triển phương tiện, các dịch vụ vận tải do DN và tư nhân đầu tư. Khai thác, phát huy hiệu quả tối đa các nguồn lực gắn với cơ chế thu hút đầu tư thông qua các chương trình, dự án. Thực hiện phấn cấp quản lý vốn trong đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cần có cơ chế khai thác nguồn lực tài chính để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo chủ trương "hạ tầng cần phải đi trước một bước, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội". Thứ ba, nghiên cứu áp dụng hình thức khoán quản lý, bảo trì đường bộ theo mục tiêu chất lượng. Cần phân chia rõ trách nhiệm quản lý, bảo trì giữa các cấp; sử dụng nguồn lực đóng góp của cộng đồng dân cư địa phương để bảo trì theo quy trình kỹ thuật. Thứ tư, tăng cường công tác quản lý đường bộ, bảo vệ hành lang an toàn giao thông. Quản lý tốt các hoạt động chở khách đường bộ và đường thủy; lập hệ thống cứu hộ, cứu nạn giao thông. Tăng cường kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết những quy định về an toàn giao thông. Thứ năm, khuyến khích và sử dụng và áp dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng, bảo trì các công trình giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Thứ sáu, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ cấp huyện, quận phụ trách giao thông có trình độ chuyên môn. Cần tập trung nguồn lực phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Kinhtedothi - Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Tuấn Anh |