Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải quan Việt Nam:

Nâng cao hợp tác trong chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ

Nguyên Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương mại điện tử là môi trường đặc biệt rộng lớn, khó kiểm soát. Với hàng triệu người bán hàng sử dụng Internet, việc kiểm soát nguồn hàng là hết sức khó khăn. Cơ quan Hải quan rất khó sàng lọc đầy đủ các hoạt động di chuyển xuyên biên giới của hàng giả.

Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua tiềm ẩn diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường.

Nhiều loại hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, hàng hóa khan hiếm trên thị trường như khoáng sản, xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như đường cát, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử, hàng tiêu dùng, hàng lậu, phụ tùng xe đạp, xe máy… có chiều hướng gia tăng mức độ phức tạp trên các tuyến, địa bàn trong cả nước và cả trên không gian mạng.

Nâng cao hợp tác trong chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ - Ảnh 1

Theo số liệu của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 9 tháng năm 2024, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý trên 39.000 vụ vi phạm, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, trong khi tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu là 6.118 vụ, giảm 18,3%; gian lận thương mại, gian lận thuế là 31.473 vụ, giảm 21,7% thì hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lại ghi nhận lên tới 1.426 vụ, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Mức độ nghiêm trọng của các vụ việc cũng có chiều hướng tăng lên với 810 vụ việc bị khởi tố hình sự với 1.132 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2023 ghi nhận tăng 9% về số vụ và tăng 14,3% về số đối tượng.

Thời gian gần đây cũng ghi nhận tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Sendo...), các mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube...) và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, trong năm 2024 nổi lên tình trạng buôn lậu các mặt hàng có giá trị cao, hàng xa xỉ như kim cương, vàng, ngoại tệ, hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như HERMÈS, Apple…

Cụ thể là 2 vụ nhập lậu kim cương bị bắt giữ liên tiếp tại sân bay Tân Sơn Nhất với số lượng lên tới hơn 1.000 viên; 3 vụ buôn lậu vàng bị bắt giữ trong cao điểm biến động giá vàng với tổng khối lượng 13kg…

Trong đợt cao điểm tăng cường kiểm soát trong tháng 9/2024, Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4) thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã bắt giữ 19 vụ vi phạm. Trong đó có nhiều lô hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như HERMÈS và Apple.

Trong số các vụ việc bị phát hiện, bắt giữ, xử lý, nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều đường khác nhau như nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, gian lận thương mại…

Năm 2024, Tổng cục Hải quan cũng ban hành Kế hoạch 1244/KH-TCHQ ngày 26/3/2024 về việc kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024.

Theo nhận định của ông Vũ Hoài Linh - Phó Đội trưởng, Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4)- Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), 

tình hình buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nguồn gốc xuất xứ trong năm 2024 tiếp tục có những thay đổi, diễn biến khó lường.

Các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ là hàng tiêu dùng; các loại hàng điện máy, linh kiện điện tử, điện và điện tử gia dụng; thực phẩm chức năng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu giả mạo nhãn hiệu, sắt thép...

Các mặt hàng trên phổ biến có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hồng Kông, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan,...

Đáng chú ý là tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về SHTT công khai trên các website thương mại điện tử đang tăng mạnh.

Nâng cao hợp tác trong chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ - Ảnh 2

Nguyên nhân, việc buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn mang lại lợi nhuận cao và do thị hiếu tiêu dùng của một số người dân thích hàng hiệu nhưng giá rẻ.

Chênh lệch về giá giữa hàng hóa trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài cũng là yếu tố để các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT hướng tới. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh quốc tế phát triển rất nhanh chóng.

Theo ông Linh, khó khăn thách thức có nhiều, song thách thức nổi lên đáng quan tâm nhất hiện nay là lĩnh vực thương mại điện tử.

Thương mại điện tử là môi trường đặc biệt rộng lớn, khó kiểm soát. Với hàng triệu người bán hàng sử dụng Internet, việc kiểm soát nguồn hàng là hết sức khó khăn.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan rất khó sàng lọc đầy đủ các hoạt động di chuyển xuyên biên giới của hàng giả khi mà các hàng hóa này được vận chuyển trong các bưu kiện nhỏ và gói thư.

Đáng chú ý, hiện nay Trung Quốc đã và đang ồ ạt xây dựng các tổng kho quy mô lớn dọc biên giới nhờ nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ nước này đối với thương mại điện tử xuyên biên giới. Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN tại huyện Hà Khẩu (Vân Nam) với diện tích xây dựng lên tới 660.000m2 với mức đầu tư 3,68 tỷ nhân dân tệ (tương đương 525 triệu USD).

Sau khi hoàn thành dự kiến có thể hoàn thành kiểm tra 50.000 bưu kiện/ngày, khoảng 800 tấn, khối lượng giao dịch hàng năm dự kiến vượt 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD). Một đơn hàng vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ mất 2 ngày.

Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay và các giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo toàn ngành tập trung vào nhiều giải pháp.

Trong đó, giải pháp đối với lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tập trung công tác thu thập thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, xác định doanh nghiệp trọng điểm, mặt hàng trọng điểm có dấu hiệu nghi vấn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tăng cường hợp tác với Hải quan các nước trong việc trao đổi thông tin, hội thảo, học tập kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm soát hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Phối hợp trao đổi thông tin chuyên môn và giám định đối với hàng hoá có dấu hiệu vi phạm về sở hữu trí tuệ giữa Cơ quan Hải quan với Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Chủ sở hữu quyền, Đại diện chủ sở hữu quyền…

Lực lượng Hải quan địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác trao đổi thông tin, phát hiện, bắt giữ, xử lý đối tượng và hàng hóa vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên lĩnh vực thương mại điện tử theo quy định. Trong quá trình triển khai đảm bảo thực hiện tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu.