Nhìn nhận đúng về "thiết kế nội thất"
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, việc thiết kế một công trình kiến trúc ngày nay là cả một sự phối hợp tổng hoà và phức tạp giữa thiết kế kiến trúc và thiết kế lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật. Điều này đòi hỏi người thiết kế kiến trúc phải nâng cao trình độ và kiến thức cơ bản về các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật công trình để cập nhật và đáp ứng những yêu cầu của kiến trúc hiện đại.
Từ khi kiến trúc nhà cao tầng ra đời cùng với sự phát triển của các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, các vấn đề về kỹ thuật và trang thiết bị cho công trình kiến trúc không ngừng được cải tiến và hoàn thiện ngày càng cao.
Một loạt hệ thống trang thiết bị kỹ thuật mới được ra đời và ứng dụng lắp đặt cho các công trình, nhằm phục vụ tốt nhất và mang lại hiệu quả cao nhất cho quá trình vận hành và sử dụng của các công trình.
Ngoài hai hệ thống trang thiết bị kỹ thuật là cấp thoát nước và điện đã được hiện đại hoá cao, còn có các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật mới như: thang máy, điều hoà không khí và thông gió, phòng cháy chữa cháy tự động, chống sét hiện đại, các hệ thống kỹ thuật điện tử tin học...
Tại Toạ đàm: "Giải pháp Kiến trúc - Nội thất nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị" được tổ chức mới đây, PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương cho biết, thiết kế nội thất (TKNT) là quá trình kết hợp dự định của nhiệm vụ thiết kế, trí tưởng tượng của con người nhằm tạo dựng một không gian nội thất để thỏa mãn nhu cầu sử dụng và tinh thần của con người.
Có thể coi đây là một ngành nghệ thuật và khoa học về thiết kế, tổ chức sắp xếp, tạo hình trang trí không gian bên trong công trình kiến trúc theo những tiêu chuẩn về thẩm mỹ và chức năng.
TKNT bao gồm tổng hợp quá trình tư vấn xây dựng nhiệm vụ thiết kế, thiết lập mặt bằng bố trí công năng, bố cục thị giác, và thiết kế chi tiết các bề mặt hoàn thiện và không gian bên trong các công trình kiến trúc.
Đồng thời thỏa mãn nhu cầu của con người về nơi trú ẩn, tạo tiền đề thiết lập cho các hoạt động, nuôi dưỡng cảm xúc tinh thần. Mục đích của TKNT là sự sáng tạo, cải tiến chức năng, làm giàu thẩm mỹ, và nâng cao các yếu tố tinh thần của không gian.
Ngoài ra 3 yếu tố không thể thiếu trong TKNT như tính khoa học thể hiện ở việc tính toán và tạo dựng không gian và bố trí các trang thiết bị một cách hợp lý về các mặt từ kết cấu đến việc thuận tiện cho việc sử dụng. Nói theo cách nhìn nhận của kiến trúc sư và các nhà thiết kế là đảm bảo dây chuyền công năng.
Tính thực tiễn thể hiện ở việc sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của con người. Sử dụng các vật liệu, thiết bị phù hợp và giá cả phải chăng. Thiết kế nội thất đòi hỏi tính toán thi công thuận lợi và tạo quan hệ với khách hàng một cách tích cực.
Tính nghệ thuật thể hiện ở cách bài trí, trang trí, lựa chọn mẫu mã, sử dụng ánh sáng, màu sắc, hoa văn phù hợp với đặc điểm của không gian, gây ấn tượng thẩm mỹ tốt và phù hợp tâm sinh lý của người sử dụng.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sống
TS.KTS Nguyễn Việt Huy - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, các không gian kiến trúc nội thất chính hiện nay có thể chia làm 4 loại, bao gồm căn hộ chung cư, nhà ống, biệt thự, nhà ở nông thôn với những yêu cầu về thoải mái tiện nghi cũng như an toàn khi sinh sống sẽ có những quan điểm thiết kế khác nhau.
Với mô hình chung cư, được dự báo xu hướng căn hộ với diện tích nhỏ từ các nước châu Á (Hồng Kông, Singapore) sẽ dần lan đến các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những căn hộ với diện tích lớn sẽ trở nên "xa xỉ" mà không phải ai cũng mua được, dẫn tới yêu cầu thiết kế phải tận dụng không gian ít ỏi một cách thông minh và hiệu quả.
"Với loại hình chung cư cần khai thác tối ưu hóa diện tích để bố trí công năng; Kiến tạo không gian tránh cảm giác bó hẹp kết hợp nội thất đa năng nhằm toàn bộ không gian có chiếu sáng tự nhiên; Hệ tủ kết hợp vách ngăn nhằm tối ưu diện tích" - TS.KTS Nguyễn Việt Huy cho biết.
Về nhà ống, cần có không gian kết nối, liên thông cũng như đưa không gian xanh vào tối đa công trình. Đặc biệt về các vấn đề đảo nhiệt đô thị, an toàn phòng chống cháy nổ cần hệ lam mặt đứng đảm bảo yếu tố an ninh, thẩm mỹ, đảm bảo bậc chịu lửa của vật liệu đồng thời có thể mở ra trong trường hợp thoát nạn khẩn cấp.
Với biệt thự do tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa cao, các đô thị lớn tại Việt Nam chịu ảnh hưởng của ô nhiễm, khói bụi và biến đổi khí hậu. Việc thiết kế sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa không gian để mang đến sự thoải mái và tiện nghi tối đa. Với các giải pháp thiết kế thông minh, mỗi centimet của không gian sống được khai thác triệt để, từ những ngăn kéo ẩn thông minh đến các kệ tường đa năng, kệ âm tường, hoặc bàn làm việc gấp gọn giúp gia chủ lưu trữ đồ đạc một cách gọn gàng và thẩm mỹ.
“Không gian mở và liên thông cho phép thông gió xuyên phòng đồng thời không gian có thể đóng lại vào mùa đông. Không gian mở tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu, tăng sự tiện nghi, đồng thời kết nối với thiên nhiên ” - TS.KTS Nguyễn Việt Huy cho hay.
Khi tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, kiến trúc nông thôn Việt Nam biến đổi nhanh chóng, đặc biệt là nông thôn miền Bắc. Những ngôi nhà cao tầng với bê tông cốt thép mọc lên ngày càng nhiều, thay thế những ngôi nhà mang kiến trúc truyền thống. Không gian đô thị hiện đại đang khiến nhà ở nông thôn đang dần mất đi bản sắc đặc trưng riêng vốn có.
Yếu tố cấp thiết tiếp theo trong việc cần phải nghiên cứu những giải pháp thiết kế phù hợp cho nhà ở nông thôn hiện nay. Trong đó khoảng sân kết nối trong và ngoài; Tối ưu hóa không gian sử dụng đồng thời kết nối hài hòa yếu tố cảnh quan trong và ngoài.
Bên cạnh đó, các yếu tố mái dốc kết hợp quạt trần cách điệu theo phong cách đương đại. Trần cao kết hợp quạt trần tạo sự đối lưu không khí. Hình thức kiến tạo không gian hiện đại hóa những yếu tố bản địa trong thiết kế nội thất, tạo hình ảnh gần gũi và thân thuộc cho người sử dụng.
Còn với Kỹ sư Trịnh Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT iHäus nhìn nhận, nhà thông minh - Quản gia điện tử đang trở thành xu hướng không thể phủ nhận trong thế giới công nghệ hiện đại, mang lại những trải nghiệm sống độc đáo, tiện nghi và tiện ích không ngừng cho người sử dụng.
Trong đó Hệ thống KNX – Nhà thông minh đi dây an toàn theo chuẩn EU là tiêu chuẩn toàn cầu cho hệ thống quản lý, điều khiển tòa nhà thông minh, được phát triển trên nền ba tiêu chuẩn trước đó: European Home Systems Protocol (EHS), BatiBUS, European Installation Bus (EIB). KNX được chuẩn hóa từ EN 50090, ISO/IEC 14543 và quản lý bới hiệp hội KNX quốc tế.
Giải pháp nhà thông minh KNX là một hệ thống tự động hóa đa chức năng, được thiết kế để tối ưu hóa sự thoải mái, tiện nghi và an toàn trong không gian sống của người dùng. KNX sử dụng các thiết bị kết nối thông minh để quản lý và điều khiển mọi khía cạnh của ngôi nhà từ các hệ thống chiếu sáng, cảm biến, rèm cửa, sưởi đến an ninh và âm nhạc.