Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao lòng tin đồng tiền quốc gia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lòng tin vào đồng tiền quốc gia không chỉ là vấn đề chính trị, mà còn liên quan đến lạm phát, cán cân thanh toán, chống đô la hóa, vị thế của quốc gia…, trên cơ sở ổn định tỷ giá…

Góp phần không nhỏ ổn định kinh tế

Số liệu thống kê lịch sử cho thấy, từ năm 2009 đến nay, tốc độ tăng giá USD ở Việt Nam trải qua 2 thời kỳ. Thời kỳ thứ I, từ 2009 - 2011, giá USD tăng khá cao (bình quân năm lên đến trên 8,42%). Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho lạm phát tăng cao (chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2008 - 2011 lên đến 14,41%/năm), cán cân thanh toán bị thâm hụt, dự trữ ngoại tệ bị suy giảm, tình trạng vàng hóa, đô la hóa tăng cao…

 
Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Quốc tế.  Ảnh: Trần Việt
Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Quốc tế. Ảnh: Trần Việt
Thời kỳ thứ II từ 2012 - 2014, tốc độ tăng giá USD đã chậm lại tương đối nhanh (bình quân năm chỉ còn 0,47%).

Đây là một trong những yếu tố góp phần làm cho lạm phát tăng chậm lại và liên tục giảm xuống (CPI bình quân năm 2012 còn 9,21% - thấp chỉ bằng một nửa năm trước, năm 2013 còn 6,6%, năm 2014 còn 4,09%; bình quân 3 năm này, CPI chỉ tăng 6,63%/năm, thấp chỉ còn bằng dưới một nửa tốc độ tăng bình quân năm của 4 năm trước đó). Cán cân thanh toán liên tục có số dự trữ ngoại tệ tăng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tình trạng vàng hóa và đô la hóa giảm… Điều quan trọng là lòng tin đối với đồng tiền quốc gia được cải thiện.

Kết quả trên là do tác động của nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng là lạm phát ở trong nước được kiềm chế, góp phần làm cho đồng tiền không bị sức ép lớn phải tìm đến trú ẩn ở ngoại tệ, vàng. Cán cân thương mại được cải thiện: Nếu thời kỳ 2007 - 2011, Việt Nam ở vào vị thế nhập siêu với quy mô lớn (bình quân năm nhập siêu tới 13,5 tỷ USD), thì thời kỳ 2011 - 2014 đã xuất siêu 962,3 triệu USD/năm.

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng (bình quân năm thời kỳ 2006 - 2010 đạt 8,93 tỷ USD, thì thời kỳ 2011 - 2014 đạt 11,22 tỷ USD).

Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) bình quân năm của thời kỳ 2011 - 2014 cao hơn của thời kỳ 2006 - 2010 (4,446 tỷ USD so với 2,343 tỷ USD).

Lượng kiều hối bình quân năm thời kỳ 2011 - 2014 cao hơn hẳn thời kỳ 2006 - 2010 (9,693 tỷ USD so với 7,048 tỷ USD). Lượng ngoại tệ thu được từ khách quốc tế đến Việt Nam bình quân năm của thời kỳ 2011 - 2014 cao hơn của thời kỳ 2006 - 2010 (6,845 tỷ USD so với 3,606 tỷ USD). Do lãi suất gửi tiết kiệm bằng VND cao hơn nhiều so với gửi bằng USD, nên lượng ngoại tệ găm giữ ở các DN, ở người dân đã được bán cho các ngân hàng.

Từ mấy năm nay, trước mỗi năm hoặc mỗi lần giá USD trên thị trường nóng lên, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đưa ra thông điệp để ổn định tâm lý.

Không thể lơ là

Bước sang năm 2015, diễn biến giá USD chịu tác động của 2 nhóm yếu tố làm tăng hoặc làm ổn định giá USD. Các yếu tố làm ổn định giá USD có nhiều, tập trung vào các yếu tố của 3 năm gần đây như đã nêu trên, nhất là lượng ngoại tệ vào Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khá, đặc biệt là lượng vốn FDI, ODA thực hiện; lạm phát tiếp tục được kiềm chế và thông điệp của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá (cao nhất chỉ ở mức 2%)…

Tuy nhiên, các yếu tố làm tăng tỷ giá cũng không ít. Một yếu tố quan trọng là tiếp đà mấy tháng cuối năm 2014, cán cân thương mại tháng 1/2015 bị thâm hụt (361,6 triệu USD) và theo kế hoạch cả năm 2015 ở mức 8,25 tỷ USD. Chỉ số đo sức mạnh của USD so với các đồng tiền mạnh hiện đã vượt qua mốc 94 điểm; kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vượt dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm trở lại gần bằng mức trước khủng hoảng, trong khi tăng trưởng kinh tế ở khu vực EU, Nhật Bản, Trung Quốc... chậm lại, dòng vốn đang chảy ngược trở lại với Mỹ, càng làm cho USD tiếp tục lên giá với các đồng tiền, trong đó có VND.

Tổng hợp cả 2 nhóm yếu tố, giá USD ở Việt Nam tiếp tục tăng lên. Tuy vậy, “sóng” giá USD sẽ không cao, tức là giá USD lúc tăng giá thì tốc độ cũng không cao và việc đầu tư vào USD sẽ không có lợi, thậm chí còn bị thua thiệt so với việc gửi tiết kiệm bằng VND.

Việc bán USD cho ngân hàng không chỉ có lợi cho bản thân, cũng đồng nghĩa với việc nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia… Ngân hàng Nhà nước cùng với việc giữ khoảng cách đủ lớn giữa VND với USD, vừa tranh thủ mua USD để tăng dự trữ ngoại hối nâng cao sức mạnh tài chính, tăng tính thanh khoản của quốc gia.