Nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Đề án nâng cao năng lực hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giai đoạn 2021 – 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Thanh Nam cho biết: Đề án nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị. Ảnh Hồng Thắm
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị. Ảnh Hồng Thắm

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, mỗi tỉnh có từ 3-5 mô hình HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với BĐKH; 100% HTX nông nghiệp trong các lưu vực hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với BĐKH; bình quân các HTX trong lưu vực tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp từ 10% trở lên…

"Để đạt được mục tiêu của đề án, các cơ quan có liên quan và các địa phương ĐBSCL cần đặt quyết tâm cao, tập trung bàn bạc kỹ các giải pháp triển khai hiệu quả nhất. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ biến thách thức BĐKH thành tiềm năng, cơ hội lớn để chuyển đổi sản xuất, thích ứng và phát triển bền vững." Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Tính đến 10/2022, vùng ĐBSCL có 2.546 HTX nông nghiệp. Ảnh Cao Phong
Tính đến 10/2022, vùng ĐBSCL có 2.546 HTX nông nghiệp. Ảnh Cao Phong

Thực trạng HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL

Theo thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tính đến 10/2022, vùng ĐBSCL có 2.546 HTX nông nghiệp (chiếm 15% cả nước), tăng 1.379 HTX so với năm 2012 (là vùng có số lượng HTX tăng nhiều nhất).

Nhiều HTX nông nghiệp có các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với BĐKH hiệu quả như: Chuyển đổi cây trồng vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với BĐKH; làm bờ kè; tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị..

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tiêu cực của nó đến sản xuất nông nghiệp ngày càng trầm trọng, các HTX vùng ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn trong thích ứng với BĐKH như: nhận thức, hiểu biết của người dân và HTX về BĐKH chưa cao; chưa tổ chức áp dụng đồng bộ các giải pháp hiệu quả thích ứng với BĐKH; chưa lồng ghép được giải pháp thích ứng với BĐKH trong xây dựng và thực hiện phương án sanr xuất kinh doanh của HTX; thiếu nhân lực, thông tin, phương tiện, máy móc, dụng cụ quan trắc BĐKH…

Phát triển bền vững HTX nông nghiệp ĐBSCL

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, nông dân có thể tận dụng phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp làm nguồn tài nguyên tái tạo. Cụ thể, như mô hình nuôi ruồi lính đen của trang trại sinh thái Ecodota ở thị trấn Mỹ Tho, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thông qua quy trình thu gom các phụ phế phẩm từ cơ sở chế biến xoài, trang trại đã tự định hình thành các quy trình khép kín khác nhau và lấy ấu trùng ruồi lính đen làm trung tâm. Các mô hình như: Nuôi gà khép kín theo hướng hữu cơ, nuôi vịt, sản xuất thức ăn viên chậm tan hay dung dịch thủy phân từ ấu trùng dùng trong nông nghiệp và chăn nuôi cá,…

Mô hình nuôi ruồi lính đen của trang trại sinh thái Ecodota ở thị trấn Mỹ Tho, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. 
Mô hình nuôi ruồi lính đen của trang trại sinh thái Ecodota ở thị trấn Mỹ Tho, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. 

Mô hình này mang lại hiệu quả trong việc xử lý môi trường, nhất là phụ phẩm từ xoài, rau, củ quả khác, trong quá trình xử lý phân hủy nó không gây ra mùi hôi hoặc là các tác dụng phụ như hiệu ứng nhà kính, nước thải, đặc biệt tiết kiệm chi phí trong xử lý rác thải so với cách xử lý rác thải khác.

Để triển khai các biện pháp thích ứng với BĐKH có hiệu quả, Viện chính sách và Chiến lược nông thôn đã đề xuất ưu tiên hỗ trợ HTX tham gia vùng nguyên liệu, vùng lúa 1 triệu ha trong tiến tới đạt chứng chỉ carbon; phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn; xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV ở các cấp độ (đến cả cơ sở sản xuất)...