PGS-TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã tiến hành đánh giá những ưu điểm, kết quả nổi bật trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) tại các công đoàn cơ sở, LĐLĐ các quận, huyện trên địa bàn TP thời gian qua.
Trong bối cảnh đội ngũ CNLĐ tại Thủ đô Hà Nội khá đông so với các địa phương trên cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, đặc biệt trước yêu cầu mới trong nước và những diễn biến phức tạp về chính trị trên thế giới, các đại biểu đã nêu bật những cố gắng nỗ lực của các cấp công đoàn Thủ đô thời gian qua trong công tác này và phản ánh nhu cầu thực tiễn trong thời gian tới…
Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, đại diện nhiều công đoàn cơ sở, LĐLĐ quận huyện bày tỏ sự quan tâm về những tồn tại trong công tác chỉ đạo từ cấp trên và tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở; đồng thời nêu lên những giải pháp, đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam, chính quyền và công đoàn TP… sao cho công tác tuyên truyền chính trị tư tưởng cho CNLĐ tới đây đi vào thiết thực, hiệu quả và hấp dẫn hơn.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Tịnh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng cho rằng, trước hết cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong nhận thức về trách nhiệm và hoạt động chỉ đạo của ban lãnh đạo DN đối với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho CNLĐ. Các chủ DN cần thấm nhuần nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân nói chung và công tác giáo dục, chính trị tư tưởng cho công nhân nói riêng.
“Cần khắc phục ngay tình trạng một số DN chỉ chú trọng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hoặc nếu có quan tâm triển khai đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CNLĐ thì cũng sơ sài, hình thức, chiếu lệ hoặc khoán trắng cho công đoàn”, ông Tịnh nhấn mạnh.
Tại LĐLĐ quận Hoàn Kiếm, qua việc triển khai hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho CNLĐ thời gian qua, Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Vũ Thị Xuân Mai chia sẻ một số kinh nghiệm để làm tốt công tác này. Đó là, công tác này cần bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của tổ chức công đoàn cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác tuyên truyền phải được sự đồng thuận, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí của lãnh đạo đơn vị, sự chủ động, sáng tạo của ban chấp hành công đoàn cơ sở và sự đồng tình hưởng ứng của các phòng, ban, CNVCLĐ đơn vị. Bên cạnh đó, nội dung, phương pháp tuyên truyền phải luôn được đổi mới, hấp dẫn, gắn với quyền lợi thiết thực của người lao động thì mới thu hút CNLĐ tham gia.
Về phía Công đoàn các KCN - KCX Hà Nội, đại diện đơn vị này đề xuất: Để khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho CNVCLĐ, cần tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền chuyên môn đồng cấp, sự vào cuộc của các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác này cũng như phổ biến kiến thức pháp luật trong CNVCLĐ. Đặc biệt, cần chủ động đi sâu đi sát cơ sở, nắm chắc tâm tư nguyện vọng của người lao động để xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền cho phù hợp.