Nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tố Hoa - Sở Du lịch Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Mặc dù đã có những bước tiến dài, nhưng du lịch Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, thành phố cần có các giải pháp hữu hiệu nhằm khai thác tài nguyên, vị thế của mình nhằm tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn và hình ảnh điểm đến đẹp trong mắt du khách.

Theo đó, trong rất nhiều giải pháp cần thực hiện, thành phố Hà Nội cần quan tâm hơn cho đầu tư bảo tồn tôn tạo tài nguyên du lịch. Công tác tôn tạo các di tích phải đảm bảo giữ được tính nguyên bản, nhưng thêm phần tráng lệ, không để tình trạng cũ nát.

Trước mắt, thành phố đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di sản Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm, các công trình kiến trúc Pháp, cầu Long Biên, các đình, đền, chùa… Đây là những  địa danh hấp dẫn khách du lịch bởi các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc cùng các giá trị nhân văn.

Bên cạnh bảo tồn các di tích, thành phố cũng cần đầu tư và  bảo tồn tài nguyên tự nhiên và sự đa dạng sinh học. Bởi từ trước đến nay, Hà Nội được mệnh danh là thành phố của sông hồ với rất nhiều hồ đẹp. Cùng với đó là hệ thống công viên cây xanh, đặc biệt là các cây cổ thụ với các công trình kiến trúc Pháp… Tất cả đã và đang đem đến cho Hà Nội một nét đẹp quyến rũ, hấp dẫn khách du lịch mà không một Thủ đô nào trong khu vực và trên thế giới có được.

 Du khách quốc tế trải nghiệm tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016.

Tuy nhiên, nhiều sông hồ của Hà Nội đang bị ô nhiễm do nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông, hồ. Vì vậy, thành phố cần đẩy mạnh kiểm soát và xử lý vấn đề ô nhiễm nước sông hồ của Hà Nội,  bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đặc biệt là những cây cổ thụ.

Cũng để tạo sức hấp dẫn cho du lịch Hà Nội, thành phố cần đầu tư, nâng cấp và phát triển các tiện nghi, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Trước mắt, ngành du lịch phải rà soát nâng cấp, phát triển các tiện nghi phục vụ khách du lịch tại các điểm tham quan như các di tích, các bảo tàng, làng nghề… Đó là việc xây dựng, nâng cấp các sơ đồ tham quan, bản đồ, chú giải bằng tiếng nước ngoài. Rồi đến dịch vụ phục vụ ăn uống, qui hoạch, đầu tư phát triển hệ thống nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn châu Âu…

Hơn nữa, tại các bảo tàng, các điểm di sản văn hóa, di tích lịch sử quan trọng, ngành du lịch cần phối hợp với các đơn vị quản lý các địa danh đó để xây dựng các trung tâm thông tin, diễn giải với các phương tiện như phim ảnh, triễn lãm, trình chiếu…

Bên cạnh đó, cần sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau giúp tăng ý nghĩa và sự trải nghiệm của du khách về giá trị của di tích. Tại những điểm có đông khách du lịch cần bố trí quầy thông tin du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế và có cảnh sát du lịch biết ngoại ngữ để dẹp bỏ nạn bán hàng rong chèo kéo khách và hỗ trợ du khách khi cần thiết.

Hiện tại, Hà Nội đang chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn mang tầm quốc gia và quốc tế. Nhưng bên cạnh đó, thành phố cũng cần quan tâm nâng cấp các sản phẩm du lịch sẵn có. Cụ thể như, cần qui hoạch phát triển các tuyến phố đi bộ giúp du khách trải nghiệm nhiều hơn, khám phá nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn và sẽ lưu trú nhiều hơn.

Đồng thời, thành phố phát triển thêm các công viên, các thảm hoa trên các trục đường, xung quanh các điểm thăm quan, các di tích để tạo vẻ đẹp cảnh quan, tạo bóng mát, sự thư giãn, tăng sức hấp dẫn, phát triển nhiều công viên sinh thái, công viên chuyên qui mô lớn.

Với không gian vùng đệm khu Hoàng Thành Thăng Long, thành phố cần nghiên cứu quy hoạch mở rộng. Cụ thể, phạm vi quy hoạch phía Bắc sát với hồ Trúc Bạch, phía Nam kết nối với khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phía Đông tạo sự kết nối với hồ Gươm, khu phố cổ, phía tây với quần thể Lăng Bác.

Đường Phan Đình Phùng và đoạn đường Hoàng Diệu xung quan Khu Hoàng Thành Thăng Long nên xây dựng trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn như, tạo các thảm hoa đẹp rực rỡ theo mùa. Mặt khác, thành phố cũng nên phối hợp xây dựng Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam thực sự là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch. Đó là việc nghiên cứu thiết kế, nâng cấp chất lượng các sản phẩm, dịch vụ (tiện nghi ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, các chương trình lễ hội, trò chơi dân gian…) phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh việc đầu tư bảo tồn tôn tạo tài nguyên du lịch, nâng cấp, phát triển các tiện nghi, sản phẩm và dịch vụ du lịch, thành phố cũng tính đến nâng cao chất lượng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút sự tăng trưởng của các thị trường khách du lịch hiện tại và tiềm năng.

Đồng thời, cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông để giảm ùn ắc, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên, môi trường sống và các điều kiện an toàn cho khách du lịch, phát triển đội ngũ cán bộ làm du lịch có chất lượng cao. Có như vậy, du lịch Hà Nội mới thực sự phát triển, thực sự là điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới.