Trong công tác cải cách hành chính (CCHC) để đạt được kết quả là tổng hợp sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, trong đó công tác cán bộ được xem là yếu tố quan trọng nhất. Tuy vậy, những kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Yếu kém rõ nhất trong CCHC là chậm khắc phục những tồn tại về thủ tục hành chính, vẫn rườm rà, chậm trễ, thiếu cụ thể, lúng túng; tình trạng chờ việc, quên việc, “bỏ trống trận địa” vẫn diễn ra… Kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, thậm chí có cán bộ hư hỏng; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm. Mối quan hệ phối hợp trong nội bộ cơ quan, đơn vị; giữa các tổ chức chưa tốt, thiếu đồng tâm, đồng lực. Từ những tồn tại này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, tốc độ, hiệu quả của sự phát triển. Để CCHC tốt, đạt hiệu quả, suy cho cùng phải từ “cái gốc” là cán bộ. Muốn vậy, cần tập trung làm chuyển biến một số vấn đề: Làm tốt công tác tuyên truyền gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để mọi cán bộ, công chức nhận thức đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong giai đoạn cách mạng mới, từ đó xác định cho bản thân việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu; tăng cường học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ và phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Coi đây “là hồng, là chuyên” của cán bộ. “Hồng” trong CCHC là công tâm, tận tụy, nghĩa tình, trách nhiệm, giữ gìn, là liêm, chính. Liêm chính luôn luôn song hành, tồn tại trong cuộc đời người cán bộ. Liêm chính là luôn luôn giữ gìn sự thanh liêm, bản lĩnh, nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay. “Chuyên” là trình độ chuyên môn vừa sâu vừa rộng, là khả năng thực thi công vụ, là tính thạo việc. Đứng trước công việc của dân, của doanh nghiệp, mà vô cảm, mà lúng túng không giải quyết hoặc giải quyết chậm không đến nơi đến chốn, vòi vĩnh… là không liêm, không chính, không hồng và không chuyên. Kinh nghiệm cho thấy, muốn thực hiện cơ chế “một cửa” phải thắng được tư tưởng cát cứ, chia cắt, độc quyền… Những tư tưởng này rất xa lạ với việc tổ chức một nền hành chính thông suốt liên thông. Thực hiện “một cửa” phải tổ chức sắp xếp lại bộ máy làm việc. Không chỉ làm động tác sắp xếp lại phòng ốc, chỗ ngồi, địa điểm tiếp công dân… mà là công việc bố trí lại nhân sự, phân định lại thẩm quyền của từng cá nhân, từng tổ chức trong bộ máy. Công việc này nói chung đụng chạm đến thói quen, thứ bậc, vốn là những vấn đề nhạy cảm, tế nhị thường được tránh né. “Một cửa” đòi hỏi phải nâng cao trình độ, chuyên môn hoá đội ngũ công chức. Những quy định về công khai hoá các quy trình thủ tục, lệ phí… là những công việc không dễ dàng được chấp nhận, từ bỏ đặc quyền của những công chức thích tồn tại cơ chế “xin-cho”. Thực hiện “một cửa” đòi hỏi xây dựng, thiết lập một công nghệ hành chính tiên tiến, phù hợp với chủ trương hiện đại hoá công sở, yêu cầu quản lý chất lượng công việc theo một quy trình khoa học tiên tiến.