Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao vai trò cung ứng, kinh doanh thực phẩm an toàn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/11, tại Hà Nội, Tạp chí Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn”.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết, vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân mà còn có tác động lớn tới phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga. Ảnh: Khắc Kiên

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại.

Hiện hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ như: Saigon Co.op; MM Mega Market Việt Nam; WinCommerce; Big C & Go!, hoặc chuỗi cửa hàng nhỏ cung ứng đặc sản địa phương, thực phẩm an toàn như: Sói Biển, Bác Tôm, Eco Food… Hệ thống đã đóng góp đáng kể vào việc phân phối thực phẩm theo xu hướng hiện đại, truy xuất được nguồn gốc từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng nhưng vẫn chưa được nhiều người dân lựa chọn.

Theo TS. BS Cao Văn Trung, tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do còn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng; thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của thực phẩm xuất khẩu.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu, như điều kiện về cơ sở vật chất, về trang thiết bị; người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong các nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực.

Từ thực tế, bà Lê Việt Nga thông tin, hằng năm, khoảng 3 tháng trước Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương luôn có văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, an toàn thực phẩm là công tác ưu tiên được lồng ghép trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về quản lý Nhà nước, sản xuất và phân phối thực phẩm, các đơn vị quản lý thị trường để bảo đảm tổ chức hoạt động kết nối và phân phối thực phẩm có giá thành bình ổn. Đặc biệt là an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu, được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như gạo, thịt lợn, trứng, dầu ăn, thuỷ hải sản, rau củ, bánh kẹo…

Lượng hàng hoá sử dụng vào dịp Tết có xu hướng từ 15 - 30% qua các năm. Năm nay, theo báo cáo của các đơn vị phân phối lớn, con số vẫn tăng lên, tuy nhiên thấp hơn so với mọi năm, khoảng 7 - 15%. Chương trình bình ổn thị trường đã được các thành phố lớn triển khai rất tốt, các doanh nghiệp tham gia thường có thị phần lớn, chiếm hơn 50% trên địa bàn.

“Quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, cùng sự chung tay đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm, sự ủng hộ của người tiêu dùng” – bà Lê Việt Nga nói.

Vì vậy, việc phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn rất quan trọng để đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức tập huấn trong khâu phân phối; thực hiện việc kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bình ổn thị trường, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...