Nâng cấp Quốc lộ 13, TP Hồ Chí Minh: 21 năm vẫn nằm trên giấy, ai chịu trách nhiệm?

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 21 năm, hơn 1/5 thế kỷ kể từ lần đầu tiên được phê duyệt chủ trương nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, sau nhiều lần đổi chủ đầu tư, hình thức đầu tư… đến nay một phần của dự án vẫn nằm trên giấy. Vốn đầu tư dự án này từ 1.692 tỷ đồng đã đội lên thành 10.000 tỷ đồng.

3 lần đổi chủ đầu tư, dự án vẫn nằm im
Ngày 23/10/2000, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 969/CP-CN, cho phép Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) được làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) dự án nâng cấp mở rộng mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ Ngã tư Quốc lộ 13 – Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đến ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức), dài 10,6km. Dự án gồm 2 phần chính là xây dựng mới cầu Bình Triệu 2 và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13.
 Quốc lộ 13 thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm
Tại thời điểm năm 2000, dự án được phê duyệt với tổng vốn đầu tư 341 tỷ đồng. Đầu năm 2001, dự án được khởi công với sự kiện khởi công xây dựng cầu Bình Triệu 2, thời gian hoàn thành toàn bộ dự án dự kiến 30 tháng.
Tuy nhiên, sau khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư chỉ xây dựng cầu Bình Triệu 2, phần nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 thì vẫn chưa triển khai. Năm 2004 cầu Bình Triệu 2 được hoàn thành và đưa vào sử dụng, sau đó đã tổ chức thu phí hoàn vốn. Phần nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, Cienco 5 xin trả lại dự án cho TP Hồ Chí Minh vì vốn đã đội lên 1.200 tỷ do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng.
Sau khi nhận lại, dự án được chuyển giao cho Sở Giao thông Công chính TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, thay đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố và hoàn vốn bằng nguồn thu phí giao thông.
Song song với việc chuyển chủ đầu tư, TP Hồ Chí Minh cũng điều chỉnh thiết kế kỹ thuật dự án nâng cấp Quốc lộ 13, đoạn đường Quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi dài hơn 4,5km sẽ bổ sung xây dựng theo mặt cắt ngang rộng 53m thay vì 32m như phương án kỹ thuật cũ. Tổng mức đầu tư dự án được nâng lên 1.692 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa là 1.285 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2006.
Tuy nhiên, phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 bằng vốn ngân sách đã không được triển khai vì cuối năm 2005, UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định chuyển dự án từ Sở Giao thông Công chính sang Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) làm chủ đầu tư. CII đầu tư dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 13 theo hình thức BOT. Sau khi nhận chuyển giao, CII chia dự án thành 7 tiểu dự án để triển khai, tuy nhiên do biến động giá đất, kinh phí bồi thường tăng, CII không thể triển khai dự án và dự án chính thức nằm im từ năm 2007 đến nay.
Dễ làm, khó bỏ?
Sau 12 năm bế tắc, tháng 10/2019, Ban quản lý dự án đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đã trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 13. Như vậy sau gần 20 năm, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 13 có cơ may “sống” lại.
 Quốc lộ 13 thường xuyên kẹt xe, trong khi dự án nằm trong giấy suốt 1/5 thế kỷ
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ triển khai trước năm 2023 với vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, nguồn vốn chủ yếu lấy từ ngân sách. Trong đó, bao gồm hơn 1.300 tỷ dành cho chi phí xây dựng. Khoảng 8.100 tỷ dành cho chi phí giải phóng mặt bằng. Số vốn còn lại dành cho công tác xây dựng, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật và dự phòng.
Trong bối cảnh, TP Hồ Chí Minh đề xuất hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần nguồn vốn đầu tư hơn 80.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 2015 - 2020, bình quân mỗi năm TP Hồ Chí Minh chỉ có thể huy động được 10.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng.
Dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, nguồn vốn dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng, bằng tổng nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông trong một năm của giai đoạn 2015 - 2020. Với tình hình khó khăn trong bố trí ngân sách để đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông như hiện nay, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 13 nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục nằm trên giấy trong một thời gian nữa.
Ai phải chịu trách nhiệm về việc Quốc lộ 13 nằm trên giấy suốt 1/5 thế kỷ? Trong đó, chỉ riêng việc nhùng nhằng chuyển chủ đầu tư từ Sở Giao thông Công Chánh sang CII rồi từ CII trả lại cho TP mất 14 năm. Sau 14 năm, các ngành chức năng TP Hồ Chí Minh mới trở lại điểm xuất phát năm 2005 khi dự án có quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, sau khi Cienco 5 trả lại dự án cho TP. Trong 14 năm chuyển dự án từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác, tổng vốn đầu tư của dự án đã từ 1.692 tỷ đội lên thành 10.000 tỷ, và ngân sách phải gánh chịu thiệt hại này.
CII là doanh nghiệp nhận thực hiện dự án kể từ năm 2005 sau khi Cienco 5 trả dự án cho TP Hồ Chí Minh. Ngoài dự án nâng cấp Quốc lộ 13, CII là doanh nghiệp được giao một số dự án BOT lớn trên địa bàn TP, trong đó có dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, đầu tư một số tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Phải chăng vì thiếu ràng buộc khi giao dự án, nhờ vậy CII mới có thể dễ thì làm, khó bỏ chạy?
Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 là một sự “thất bại” kéo dài 1/5 thế kỷ. Xuyên suốt sự “thất bại” của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đó là doanh nghiệp được giao thực hiện dự án đã không đủ khả năng thích nghi với sự thay đổi của xã hội, không có phương án để xử lý các tình huống phát sinh. Việc giao dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 cho một doanh nghiệp mà không đủ năng lực tài chính để triển khai dự án, hậu quả dự án bị kéo dài và kinh phí đền bù bị nâng lên đến 15 lần, khiến một dự án từ khả thi đến bất khả thi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần