70 năm giải phóng Thủ đô

Nâng chất lượng cứu hộ động vật hoang dã

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với củng cố cơ sở vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm phúc lợi động vật, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cứu hộ ĐVHD.

Thay đổi tư duy, cách thức làm việc

Chia sẻ về kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên, công nhân, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, hàng năm trung tâm đều được thụ hưởng những chương trình của các tổ chức phi chính phủ trong việc khám, chữa bệnh cho ĐVHD và truyền đạt kiến thức trực tiếp cho đội ngũ bác sỹ thú y tại Trung tâm.

Bác sĩ thú y điều trị cho cá thể tê tê tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc 
Bác sĩ thú y điều trị cho cá thể tê tê tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc 

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng cử bác sĩ đi tập huấn để nâng cao năng lực, chuyên môn. Chẳng hạn như trong tháng 3/2022, Trung tâm đã cử 2 bác sĩ đi tham gia tập huấn điều trị bệnh cho cá thể rùa của Chương trình bảo tồn Rùa châu Á. Từ giờ đến cuối năm, Trung tâm tiếp tục cử bác sĩ đến Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam và Tổ chức động vật châu Á để nâng cao trình độ điều trị bệnh cho các loài thú lớn.

Đáng ghi nhận, sau thời gian tham gia tập huấn, ý thức tự giác và tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm được nâng lên rõ rệt và thay đổi rất rõ nét. Thứ nhất là tư duy nhận thức về phúc lợi ĐVHD được nâng lên. Thứ hai là cập nhật kịp thời những kiến thức mới của các tổ chức phi chính phủ trên thế giới và tại Việt Nam về công tác thăm khám, chữa trị bệnh cho ĐVHD. Từ đó, mang lại hiệu quả cao trong phương pháp làm việc cũng như mức độ hoàn thành công việc tại Trung tâm.

Điều đáng nói là cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có trường lớp nào đào tạo về cứu hộ ĐVHD. Có thể nói đây là nghề đặc thù, tương đối khó khăn cả về chuyên môn cũng như điều kiện làm việc. Do vậy, theo ông Lương Xuân Hồng, yếu tố quan trọng không thể thiếu là người quản lý phải truyền được cảm hứng, tinh thần làm việc đối với cán bộ, nhân viên, công nhân làm nghề cứu hộ ĐVHD.

Trước hết là để họ nhận thức được tầm quan trọng của công tác cứu hộ, bảo tồn ĐVHD cũng như “truyền lửa” tình yêu thương đối với ĐVHD. “Khi có tình yêu thương với ĐVHD rồi sẽ có tư duy làm việc tốt, tinh thần tự giác cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc chuyên môn. Đặc biệt là nêu cao tinh thần tìm tòi, học hỏi kiến thức để xây dựng mối quan hệ tốt với ĐVHD, từ đó chất lượng công tác cứu hộ sẽ được nâng lên” – ông Lương Xuân Hồng nhấn mạnh.

Bảo đảm phúc lợi động vật hoang dã

Thời gian qua, mặc dù chất lượng chuyên môn trong việc điều trị bệnh cho ĐVHD của Trung tâm đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt được các yêu cầu theo tiêu chuẩn thú y thế giới.

Công nhân chăm cóc các cá thể công tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc
Công nhân chăm cóc các cá thể công tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc

Trong khi đó, công tác nhân nuôi sinh sản ĐVHD trong điều kiện nuôi nhốt là một trong những nhiệm vụ khó, có tính đặc thù cao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi người làm nghề cứu hộ ĐVHD phải có sự kiên trì, tìm tòi, sáng tạo, đặc biệt là lòng yêu nghề, tình yêu thương với ĐVHD và chủ động khắc phục mọi khó khăn.

Mặt khác, các vấn đề về con người, cơ chế đãi ngộ, chính sách... còn rất nhiều hạn chế. “Đơn cử, việc giải quyết thủ tục kinh phí rất khó khăn, cơ chế tài chính cũng hạn hẹp. Trước đây, mỗi đợt đi công tác, cán bộ, nhân viên Trung tâm chỉ được hưởng chế độ 150.000 đồng/ngày, vài năm gần đây mới tăng lên 200.000 đồng” – ông Lương Xuân Hồng dẫn chứng.

 

Để bảo đảm phúc lợi ĐVHD, thái độ chăm sóc của nhân viên cũng cần được đặt lên hàng đầu. Theo đó, nhân viên không được ngược đãi, vô cảm với nỗi đau, bệnh tật của động vật; sự chu đáo, tận tình và trách nhiệm cũng là những vấn đề luôn được trung tâm duy trì, thực hiện tốt.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng

Từ những khó khăn này, ông Lương Xuân Hồng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng công tác cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn ĐVHD thì trước tiên người đứng đầu phải thay đổi tư duy lãnh đạo, tiếp đến mới là sự thay đổi của đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Cụ thể, cùng với tiếp tục củng cố cơ sở vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, Trung tâm đang tiếp tục xây dựng mô hình quản lý và hoạt động theo hướng chuyên môn hóa. Mục đích của mô hình hướng tới việc đáp ứng yêu cầu luôn bảo đảm phúc lợi ĐVHD. Bởi, chỉ khi nào phúc lợi được bảo đảm thì ĐVHD mới có sức khỏe tốt và công tác cứu hộ, bảo tồn mới đạt chất lượng cao.