Nâng chất lượng đại biểu HĐND: Bắt đầu từ cuộc bầu cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau Tết Nguyên đán Bính Thân, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các địa phương đặc biệt tích cực triển khai là cuộc bầu cử Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020.

Như nhiều người đã nhận định trong cuộc tổng kết hoạt động của HĐND nhiệm kỳ vừa qua, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ tới phụ thuộc nhiều vào sự thành công của cuộc bầu cử này. Do vậy, điều mong muốn của cả người “trong cuộc” và cử tri là tăng được chất lượng ĐB ở cơ quan dân cử địa phương.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi họp đầu tiên của Ủy ban
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi họp đầu tiên của Ủy ban
Thống kê của UBTV Quốc hội về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 cho thấy, số lượng ĐB HĐND các cấp giảm so với nhiệm kỳ trước (do HĐND 3 cấp bầu thiếu 3.843 đại biểu và không tổ chức HĐND ở 67 huyện, 32 quận và 483 phường) nhưng chất lượng ĐB được nâng lên về trình độ chính trị và chuyên môn. Nhưng thực tế trong quá trình hoạt động cũng cho thấy, chất lượng của ĐB chưa đồng đều, một số ĐB chưa phát huy được vai trò đại diện, hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao... Bởi thế, việc chọn được những ĐB đủ đức, đủ tài, nhiều tâm huyết để thực sự là người đại diện cho Nhân dân là điều nhiều người kỳ vọng ở cuộc bầu cử lần này.

Trao đổi tại cuộc tổng kết hoạt động của HĐND toàn quốc vừa qua, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng, để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương thì mỗi ĐB HĐND phải xác định đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ là "người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương", từ đó chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thuộc trách nhiệm của ĐB, thể hiện đầy đủ quyền hạn của mình trên các lĩnh vực hoạt động của Thường trực HĐND, các ban, tổ. Bên cạnh trách nhiệm và nhiệt huyết, mỗi ĐB còn phải không ngừng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trau dồi kiến thức, kỹ năng hoạt động. Hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND nên ĐB HĐND phải thể hiện được đầy đủ trách nhiệm và bản lĩnh của mình trong hoạt động chất vấn; tích cực tham gia thảo luận, tranh luận tại diễn đàn kỳ họp để làm sáng tỏ các vấn đề, cùng HĐND bàn bạc, đi đến quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, ngoài việc cần giữ vững mối liên hệ với cử tri, tăng cường công tác nắm tình hình thực tế, cần phát huy vai trò tích cực, chủ động của Thường trực, các Ban, Tổ và ĐB HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ của người ĐB. “Người ĐB nói chung, Thường trực và các Ban HĐND nói riêng phải có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước các yêu cầu đổi mới của đất nước, trước những quan tâm, bức xúc của cử tri để xứng đáng với sự tin tưởng mà cử tri đã trao” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định.

Khi bàn về công việc chuẩn bị cho công tác bầu cử trong năm 2016 tại Hà Nội, Thường trực HĐND các quận, huyện cũng đều bày tỏ mong muốn, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tăng thêm số lượng ĐB chuyên trách. Phó Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Chu Văn Liên cho rằng: Việc chọn, hiệp thương giới thiệu ĐB bầu vào HĐND, ngoài chuẩn bị đủ số lượng, thành phần, cơ cấu, cần chú ý đến nhân tố của cơ quan thường trực, ĐB chuyên trách ở các ban. Đây là hai bộ phận quan trọng trong mọi hoạt động, nhất là điều hành kỳ họp, giám sát, tái giám sát… ĐB chuyên trách cũng cần lựa chọn những người am hiểu sâu các chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động để khi tổ chức thẩm tra, giám sát, đưa ra thông tin chính xác, luận cứ thuyết phục.

Thực tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, vấn đề cốt lõi là nâng cao trình độ, bản lĩnh và kỹ năng hoạt động của ĐB. Nếu ĐB HĐND nắm rõ vấn đề, có bản lĩnh và kỹ năng phản biện tốt, đưa ra được ý kiến xác đáng sẽ góp phần quan trọng để HĐND các cấp đưa ra quyết sách đúng đắn, sát thực tiễn, giàu tính khả thi. Do đó, nhiều ý kiến nhận định: Để nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của ĐB HĐND các cấp, ngay từ các bước đầu tiên chuẩn bị cho cuộc bầu cử, việc lựa chọn ứng viên cần cân nhắc để vừa bảo đảm cơ cấu vùng miền, các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng…, vừa bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức, năng lực của ĐB; không nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực.