Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ Thủ đô đủ phẩm chất, năng lực và uy tín

Hồng Thái. Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hà Nội tiếp tục xây dựng, phát triển toàn diện đội ngũ cán bộ Thủ đô đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức giải quyết tốt những việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ do thực tiễn phát triển Thủ đô đặt ra” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Ngày 3/12, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp TP với chủ đề: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng ở TP Hà Nội giai đoạn hiện nay”. Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo khoa học chủ trì hội thảo.

Đại biểu T.Ư tham dự hội nghị có GS-TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư; PGS-TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS-TS Phạm Minh Tuấn - Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Về phía TP Hà Nội có Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.

Nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong những năm qua, Đảng ta luôn chú trọng đến công tác cán bộ và nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” nhấn mạnh: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội thảo

Với vị thế là Thủ đô - trái tim của cả nước, là đảng bộ lớn nhất cả nước, có vai trò, vị trí rất quan trọng, tính đến tháng 10/2021, Đảng bộ TP Hà Nội có 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, hơn 2.300 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 46 vạn đảng viên, chiếm gần 10% đảng viên cả nước; 131.565 cán bộ, công chức, viên chức toàn TP. Những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã gương mẫu, tiên phong thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xác định đó là khâu quan trọng, mang tính quyết định đến việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ của thành phố.

Thành ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20/9/2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”, đặc biệt vừa qua đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các năm tiếp theo và Quy định về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng khác của TP... Điều đó, thể hiện sự đổi mới về tư duy và nhận thức, đồng thời khẳng định quyết tâm hành động của Đảng bộ TP; qua đó trình độ, năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng lên.

“Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng của TP cũng đang đặt ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp. Do vậy, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên đó là tập trung công tác đào tạo để chuẩn hóa, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Hội thảo sẽ góp phần sớm hiện thực hóa và thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác cán bộ nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP đã đề ra, nhất là mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của TP có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; có tư duy khoa học, khát vọng đổi mới; có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong giai đoạn mới...

Tham luận tại hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đề xuất thực hiện 4 nội dung trọng tâm để tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Trong đó, sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với các khâu khác của công tác cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; cán bộ không qua đào tạo, bồi dưỡng đủ thì không đề bạt, bổ nhiệm…

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Đảng

Các ý kiến thảo luận cũng đề xuất, Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chủ chốt những kỹ năng, kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong lãnh đạo, quản lý; năng lực quản lý, điều hành chính quyền đô thị; năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Thủ đô có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Bí Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, qua 57 bài viết có chất lượng cao được biên tập kỹ lưỡng gửi về Ban Tổ chức hội thảo và nhiều ý kiến tham luận tâm huyết của các đại biểu tham dự, có thể khẳng định: Cán bộ là cái gốc của công việc. Vì thế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Đảng. Các tham luận cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng của TP. Trong đó, nội dung cập nhật công nghệ thông tin, kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ đương chức và quy hoạch còn thiếu sáng tạo, chưa có đột phá.

Các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý đã gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi và mang tính đột phá nhằm nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục xây dựng, phát triển toàn diện đội ngũ cán bộ Thủ đô đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức giải quyết tốt những việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ do thực tiễn phát triển Thủ đô đặt ra.

Trong đó, tập trung vào các giải pháp chủ yếu gồm: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường công tác quản lý, đánh giá, bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật học tập; phát huy tính tích cực học tập của đội ngũ cán bộ; tiếp tục thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các khâu khác của công tác cán bộ, đặc biệt là luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bố trí sử dụng; hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm đầu tư nâng cấp Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và các trung tâm bồi dưỡng chính trị các quận, huyện, thị xã.

“Từ kết quả của Hội thảo, Ban Tổ chức hội thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến tham luận để đưa vào các nghị quyết, đề án, kế hoạch về công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng của TP nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.