Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng chất lượng lao động xuất khẩu trở về từ Hàn Quốc

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức lương của người lao động (NLĐ) Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc cao gấp vài lần so với vị trí công việc đó trong nước, là nguyên nhân khiến nhiều người không trở về khi hết hạn hợp đồng.

 Hiện tại, các nhà quản lý đang tìm cách giải bài toán khó này để lấy lại hình ảnh NLĐ Việt.

Thiếu kỹ năng, yếu tiếng Hàn

Để hỗ trợ NLĐ từ Hàn Quốc trở về tiếp tục tham gia vào thị trường lao động, mấy năm nay, các phiên giao dịch chuyên đề được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội mở ra với sự tham gia của nhiều DN có vốn đầu tư Hàn Quốc. Ghi nhận tại các phiên giao dịch gần đây cho thấy, tỷ lệ kết nối giữa NLĐ và DN ngày càng tăng, đồng nghĩa số lao động tìm được việc làm nhiều hơn với mức lương cao hơn so với mặt bằng lao động phổ thông. Thậm chí, nhiều lao động còn được lựa chọn nơi làm việc ở gần nhà, thuận tiện di chuyển.
 Người lao động từ Hàn Quốc trở về theo dõi thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ảnh: Thủy Trúc

Tuy nhiên, cũng có lao động gặp khó khi ứng tuyển vào các vị trí có thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên như: Quản lý sản xuất, phiên dịch, hướng dẫn viên… Anh Nguyễn Sỹ Dũng (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Ở Hàn Quốc, tôi làm về cơ khí, nội thất, thu nhập 25 - 30 triệu đồng/tháng. Đến phiên giao dịch do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 1/12, tôi hy vọng tìm được công việc ổn định với mức lương từ 9 - 15 triệu đồng. Tôi ứng tuyển vào vị trí phiên dịch tiếng Hàn mảng bất động sản của Công ty TNHH Golden House, nhưng không đạt yêu cầu vì vốn tiếng Hàn hạn chế”. Phản hồi về nguyên nhân NLĐ không đáp ứng yêu cầu công việc, Quản lý điều hành Công ty TNHH Golden House Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, thứ nhất, độ tuổi cao hơn so với yêu cầu của DN, nhất là các công ty lớn. Thứ hai, công việc đã làm về kỹ thuật, khi trở về muốn làm quản lý để có thu nhập cao, nhưng kỹ năng và trình độ lại không đáp ứng yêu cầu của DN. Trực tiếp tham gia phỏng vấn NLĐ vào vị trí sản xuất, phát triển và đóng gói, ông Nguyễn Như Phúc – cán bộ Phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Chitwing Việt Nam cũng nhận xét: “Những NLĐ từ Hàn Quốc trở về mà chúng tôi phỏng vấn hầu như không có kinh nghiệm quản lý dưới xưởng nên rất khó tuyển dụng”.

Dạy tiếng Hàn miễn phí

Nhiều chuyên gia khẳng định, tổ chức các phiên giao dịch dành riêng cho lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước là để hỗ trợ họ sớm tìm được việc, ổn định cuộc sống; đồng thời động viên các lao động khác yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng. Nhưng để NLĐ có vị trí việc làm và mức lương cao hơn, có cơ hội phát triển không dễ. Trưởng văn phòng đại diện cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD) Song Kil Yong cho biết, hiện nay, DN Hàn Quốc rất mong tuyển lao động làm phiên dịch, biên dịch, quản lý sản xuất…, nhưng NLĐ lại chưa đáp ứng được yêu cầu này. Năm ngoái, tại Hàn Quốc có các khóa đào tạo miễn phí một tháng tiếng Hàn, nghề máy tính, kỹ năng quản lý nên số lao động tham gia tuyển dụng chất lượng hơn. “Nếu Bộ LĐTB&XH Việt Nam, Trung tâm Lao động ngoài nước và Sở LĐTB&XH Hà Nội mở các khóa đào tạo tiếng Hàn miễn phí cho NLĐ trở về, Văn phòng HRD tại Việt Nam sẽ hỗ trợ hết sức mình” – ông Song Kil Yong khẳng định.

Đại diện nhiều DN tuyển dụng cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan, NLĐ nên chủ động kế hoạch cho mình. Mục tiêu đi xuất khẩu lao động là làm việc chăm chỉ để có nhiều tiền tích lũy, song NLĐ cần tận dụng ngày nghỉ để tiếp xúc nhiều hơn với người bản địa để thực hành tiếng Hàn, đồng thời giao lưu tìm hiểu bản sắc văn hóa, phong tục. “Khi các trung tâm mở khóa đào tạo tiếng Hàn miễn phí, NLĐ cũng nên tham gia để sau này về nước có cơ hội tìm kiếm công việc ở những vị trí lương cao” – Phó Giám đốc quản lý sản xuất Công ty TNHH Everpia.jsc Nguyễn Tiến Cường chia sẻ.