Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năng động Kim Lan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã vào những ngày áp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhưng không khí làm việc tại làng gốm Kim Lan, huyện Gia Lâm vẫn diễn ra khá tất bật. Do nhận được nhiều đơn đặt hàng dịp cuối năm nên nhà nhà, người người ở đây đều phải gắng sức để hoàn thành sản phẩm đúng tiến độ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Ông Trương Văn Huệ - Chủ cơ sở sản xuất Huệ -Thơm, thôn 2, xã Kim Lan phấn khởi cho biết: Mỗi tháng, với 4 lao động, cơ sở của ông cho ra lò 10.000 sản phẩm chủ yếu là bát hương, chân cắm nến các kích cỡ phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh. Trước Tết một tháng, cơ sở của ông đã không còn sản phẩm để bán nên hiện đang phải làm tăng ca để có đủ số lượng hàng khách đã đặt.

Cũng như nhiều làng nghề truyền thống của Thủ đô, những năm qua, nghề sản xuất gốm sứ ở Kim Lan gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và phải cạnh tranh quyết liệt với hàng nhập lậu.

Hàng hóa ế ẩm khiến không ít hộ phải chuyển sang nghề khác để ổn định cuộc sống. Do đó để bảo tồn, duy trì và từng bước phát triển nghề truyền thống của tổ tiên, năm 2013, xã Kim Lan tiếp tục tuyên truyền, vận động các tập thể, hộ gia đình chuyển hướng sản xuất từ các mặt hàng gốm tinh xảo, cầu kỳ sang các sản phẩm thị trường có nhu cầu cao như gốm xây dựng, sản xuất men, chậu hoa, lư hương, tích nước, đèn, chân cắm nến và một số sản phẩm gia dụng…

 
Sản xuất gốm ở Kim Lan những ngày áp Tết.
Sản xuất gốm ở Kim Lan những ngày áp Tết.

Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại đi đôi với tạo nhiều thuận lợi về nguồn vốn vay để các hộ từng bước đổi mới công nghệ, chuyển sản xuất gốm từ lò hộp sang nung đốt bằng lò ga. Hiện toàn xã có 56 hộ sản xuất bằng lò ga, chiếm 26% số hộ sản xuất gốm sứ. Nhờ đó sản phẩm gốm tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nên tiêu thụ nhanh hơn các năm trước. Năm 2013, tổng giá trị hàng hóa gốm sứ sản xuất trên địa bàn đạt 102 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2012, chiếm 59% cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Không chỉ năng động, sáng tạo trong nghề truyền thống làm gốm sứ, người dân Kim Lan còn linh hoạt, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp. Hiện tại, toàn xã đã chuyển 20ha từ trồng ngô và đỗ sang trồng hoa chất lượng cao và các loại cây ăn quả có giá trị như cam Canh, cam Vinh, quất cảnh... Dịp Tết Giáp Ngọ 2014, trên thị  trường Thủ đô có thêm nhiều sản phẩm hoa, quả chất lượng cao mang thương hiệu Kim Lan, trong đó có sản phẩm hoa ly của gia đình ông Hồ Tiến Lưu ở thôn 8. Ông Lưu cho biết: Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông đã đầu tư 150 triệu đồng trồng 1 vạn củ ly giống của Hà Lan và Pháp, vừa có sắc vừa có hương thơm. Trước Tết nửa tháng, khách hàng đã ký hợp đồng tiêu thụ trên 70% sản phẩm với giá bán buôn tại vườn từ 170.000 - 200.000 đồng một chậu 5 cành. Như vậy, từ 1 vạn củ ly và một số loài hoa khác, Tết này, gia đình ông Lưu thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Từ sự khát khao làm sống lại nghề truyền thống và làm giàu từ nghề nông, người dân xã Kim Lan đã không ngừng sáng tạo, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới để Tết này, thôn xóm thêm sôi động.